Giỏ hàng

Tư duy công nghệ - Hành trang cần thiết cho một thế hệ làm chủ trí tuệ nhân tạo

Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo có thể viết, vẽ, giải toán thay con người, giáo dục không thể chỉ dừng ở việc truyền đạt kiến thức. Talkshow về AI & Coding đã đặt ra một câu hỏi lớn: Chúng ta đang dạy trẻ điều gì - và quan trọng hơn, đang dạy các em tư duy như thế nào trong kỷ nguyên số?

Hà Nội, ngày 16/05/2025 - Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngành giáo dục cũng được xác định là một trong những lĩnh vực then chốt cần chuyển đổi sâu sắc. Từ trung ương đến địa phương, ngày càng nhiều sáng kiến giáo dục số, STEM và AI được triển khai nhằm trang bị cho thế hệ trẻ năng lực tư duy hiện đại, khả năng thích ứng và sáng tạo trong kỷ nguyên số.

Hòa chung dòng chảy ấy, Talkshow “AI & Coding – Tư duy công nghệ cho thế hệ tương lai” đã được tổ chức vào chiều 16/5 tại số 24 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, trong khuôn khổ Triển lãm sách Khoa học và Công nghệ 2025. Sự kiện do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Truyền thông Văn hóa Con Sóc cùng BSM Labs thực hiện, nhằm chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, tôn vinh giá trị của sách cùng khoa học – công nghệ, thúc đẩy văn hóa đọc và kết nối cộng đồng tri thức. Qua đó, sự kiện góp phần phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ và chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Đây như một diễn đàn giáo dục mở, nơi các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh và đối tác cùng trao đổi về con đường đưa trí tuệ nhân tạo vào trường học - không phải như một môn học kỹ thuật đơn thuần, mà tiếp cận như một cách tư duy mới về giáo dục.

AI không chỉ là công nghệ - mà là lăng kính tư duy của thời đại

Trong phần chia sẻ mở đầu, bà Kim Ngà - Giám đốc công ty GenAI, người đồng hành kết nối chương trình tới cộng đồng giáo viên, phụ huynh và các đối tác triển khai bộ sách AI & Coding trên toàn quốc - đã đặt một câu hỏi đáng suy ngẫm:

“Khi AI có thể viết văn, vẽ tranh, giải toán thay con người - liệu điều quan trọng nhất trong giáo dục hiện nay còn là ‘truyền thụ kiến thức’, hay đã chuyển thành việc giúp học sinh học cách đặt câu hỏi, biết chọn lọc và sáng tạo ra cái mới?”

Câu hỏi đó được chính diễn giả Thái Thanh Nhật Quang - CEO BSM Labs chia sẻ dưới một góc nhìn sâu sắc mở ra những gợi ý thiết thực và định hướng quan trọng cho các nhà giáo, nhà quản lý và phụ huynh trên hành trình đổi mới tư duy giáo dục.

“Thách thức lớn nhất không phải là công nghệ hay cơ sở vật chất - những điều này có thể đầu tư được - mà là tư duy về giáo dục công nghệ. Chúng ta thường sa vào hai cực đoan: hoặc quá tập trung vào kỹ thuật mà quên đi tư duy, hoặc quá lý thuyết mà thiếu thực hành.

AI không chỉ là một môn học mới - nó là một lăng kính để nhìn nhận lại mọi lĩnh vực. Khi Chat GPT có thể viết essay, Mid Journey có thể vẽ tranh, và các công cụ AI khác có thể giải toán học - câu hỏi đặt ra không còn là 'dạy cái gì' mà là 'dạy cách tư duy như thế nào'.”

Với vai trò là người nghiên cứu và phát triển hàng loạt giải pháp AI - IoT - XR trong doanh nghiệp và giáo dục, ông Quang đặc biệt nhấn mạnh rằng giáo dục Việt Nam cần một chuyển dịch mạnh mẽ về tư duy: 

“Chúng ta cần rời xa mô hình ‘truyền đạt và ghi nhớ’, để đến với mô hình ‘kích hoạt và khám phá’. Học sinh cần được khuyến khích đặt câu hỏi, thách thức giả định, và phát triển khả năng tự học - những kỹ năng mà AI không thể tự động hóa được.”

deepseek

Hình ảnh các diễn giả tham gia chương trình

Phổ cập tư duy số, nuôi dưỡng trí tuệ công nghệ thông qua công cụ giáo dục thân thiện

Một trong những điểm sáng của sự kiện là phần giới thiệu bộ sách AI & Coding - Trí tuệ nhân tạo và Ngôn ngữ lập trình. Khác với hình dung thường thấy về các giáo trình lập trình nặng tính kỹ thuật, bộ sách này chú trọng phát triển tư duy logic, phân tích, sáng tạo và giải quyết vấn đề, thông qua hoạt động tương tác, hình ảnh minh họa và bài tập tình huống gần gũi. Nội dung được phân chia theo các cấp độ từ lớp 1 đến lớp 12, cho phép giáo viên dễ dàng tích hợp vào nhiều hình thức dạy học: chính khóa, ngoại khóa hoặc dự án trải nghiệm. Có thể nói, bộ sách là một trong những bộ sách tiên phong tại Việt Nam giúp học sinh tiếp cận các khái niệm nền tảng về AI và tư duy thuật toán một cách gần gũi, trực quan, không đòi hỏi kỹ năng lập trình phức tạp.

Ông Nhật Quang nhận định: 

“Tôi thấy bộ sách đang ở giai đoạn phổ cập kiến thức AI, điều đó rất quan trọng vì nó giúp cộng đồng - từ giáo viên, phụ huynh đến học sinh – bớt ngại và bớt sợ AI. Đây là bước đầu cần thiết để mở đường cho tư duy công nghệ đi vào giáo dục phổ thông.”

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ ràng, ông cũng chỉ ra những vấn đề cần cảnh báo và định hướng sâu hơn trong việc sử dụng AI:

“Sử dụng AI cần đi kèm với giáo dục đạo đức công nghệ. AI rất mạnh trong sao chép và cũng rất dễ bị lạm dụng để vi phạm bản quyền. Cần có hướng dẫn rõ ràng để học sinh và cả người lớn hiểu rằng AI là công cụ hỗ trợ, không phải là nơi thay thế năng lực sáng tạo của con người.

Với học sinh nhỏ tuổi, chúng ta càng phải cẩn trọng hơn để tránh việc lệ thuộc vào AI, đánh mất khả năng suy luận, tư duy độc lập hay kỹ năng xã hội. Bộ sách AI & Coding cũng cần tiếp tục cập nhật nội dung về đạo đức sử dụng công nghệ, và giáo dục cách dùng AI một cách nhân văn, có chọn lọc.”

Đổi mới tư duy giáo dục trong kỷ nguyên số: Từ thách thức đến hành động

Talkshow cũng ghi nhận những câu hỏi thẳng thắn từ người tham dự về những mặt trái của việc trẻ tiếp xúc sớm với công nghệ: nguy cơ lệ thuộc vào AI, mất kỹ năng xã hội, hay sử dụng AI để vi phạm bản quyền sáng tạo. Trả lời những băn khoăn đó, các diễn giả nhấn mạnh rằng công nghệ không thể thay thế hoàn toàn vai trò giáo dục của con người, và việc sử dụng AI cần gắn liền với giáo dục đạo đức, tư duy phản biện và kỹ năng chọn lọc thông tin.

Bản thân bộ sách AI & Coding, theo đánh giá từ chuyên gia, cũng đang chuyển mình theo hướng không chỉ truyền tải nội dung, mà còn dẫn tích hợp các chủ đề như đạo đức công nghệ, an toàn thông tin, và hướng dẫn sử dụng AI một cách nhân văn.

Sự kiện khép lại bằng lời kêu gọi cộng đồng giáo dục tiếp tục thảo luận, hợp tác và hành động nhằm tạo nên một hệ sinh thái học tập mà trong đó, AI không thay thế tư duy, mà kích thích tư duy phát triển.

Trong thời đại mà công nghệ có thể làm thay con người rất nhiều việc, giáo dục không thể tiếp tục đi theo lối mòn truyền thống. Chuyển từ dạy kiến thức sang phát triển tư duy, từ dạy kỹ năng sang xây dựng nhân cách công nghệ chính là chìa khóa để tạo ra những thế hệ có khả năng thích nghi, sáng tạo và làm chủ tương lai.

Talkshow ngày 16/5 không chỉ khơi dậy nhận thức về vai trò của AI trong giáo dục cho thế hệ tương lai mà còn gợi mở hướng đi cụ thể cho các nhà giáo, nhà quản lý và phụ huynh: bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong lớp học, những công cụ học tập phù hợp, và quan trọng nhất, là nuôi dưỡng tư duy cởi mở sẵn sàng thay đổi để thích ứng với sự vận động không ngừng của công nghệ.

Bạn quan tâm tới bộ sách và cơ hội triển khai tại trường học hoặc trở thành đối tác của chương trình?

Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ trực tiếp qua:

Email: info@aicoding.vn

Hotline: 091 313 8448

Đặt sách tại đây