Để xuất bản Việt Nam về đích trong kỷ nguyên số toàn diện (Phần 2)
Một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản
Xuất bản là một loại hình kinh doanh đặc thù, việc bắt kịp với nhu cầu và xu thế của thời đại là một yếu tố then chốt, thúc đẩy sự phát triển của ngành. Là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực và trên thế giới, Việt Nam thực sự có những nền tảng quan trọng để bước vào giai đoạn xuất bản số. Để nắm chắc cơ hội, chủ động trên con đường phát triển trong tương lai, xuất bản Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Hiện nay, sau sự thoái trào của các thiết bị đọc sách độc lập, dòng sách điện tử mới được tích hợp trên nhiều hệ điều hành như Window, Mac, Linux, iOS, Android, Blackberry, WebOS… ngày càng chiếm ưu thế. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, gọn nhẹ, độc giả sẽ có những trải nghiệm thú vị như đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang sách. Hình ảnh, audio, video được tích hợp trong ebook trên tương tác thời gian thực nên rất trực quan, sinh động.
Do đó, cần tạo điều kiện để các NXB khéo léo kết hợp giữa hai loại hình sách in truyền thống và sách điện tử, để dần thu hút người đọc, đặc biệt là những người có nhiều thời gian sử dụng máy tính và điện thoại thông minh, đến với các ấn phẩm truyền thống thông qua quảng cáo, trích đăng trên mạng internet; xây dựng hệ thống thư viện điện tử phục vụ cho việc tra cứu, tìm kiếm sản phẩm xuất bản truyền thống; thay đổi phương thức giáo dục dựa trên ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại;...
Xuất bản 4.0 đòi hỏi phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở. Do đó, các NXB cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số; nâng cao chất lượng bản thảo bằng việc chủ động, tích cực tìm kiếm những đề tài đúng với “hơi thở” của thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc; tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ; đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phát hành, marketing giỏi, năng động; lựa chọn những mảng xuất bản đặc thù để xây dựng thương hiệu riêng, độc đáo cho mình; tăng cường xây dựng các website, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, chiến lược phát triển cho đơn vị mình.
Cùng với công nghệ quản lý mới, trong điều kiện hệ thống thông tin trở nên vô cùng đa dạng, những thông tin thừa, thiếu chính xác, thậm chí là những thông tin mang tính xuyên tạc, mang mục đích, động cơ không lành mạnh cũng xuất hiện và tồn tại như một phần tất yếu. Phải “bơi” trong biển thông tin như vậy, người làm xuất bản và độc giả đều rất khó khăn trong việc lựa chọn, chắt lọc thông tin. Vì thế, cần nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông hiệu quả, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Có thể nói, đây là một trong những yêu cầu căn bản và cấp thiết nhất ở mọi quốc gia hiện nay, khi phải giải bài toán “Cách mạng công nghiệp 4.0”.
Người làm công tác xuất bản cũng như mỗi đơn vị xuất bản, dù ở bất cứ khâu nào đều cần có sự đổi mới tư duy mạnh mẽ. Những thuận lợi và thách thức đến từ kỷ nguyên số cho thấy, đã đến lúc các đơn vị xuất bản không chỉ dựa vào nội dung tác phẩm, danh tiếng của tác giả, mà cần phải đáp ứng, tiếp cận người đọc trên các nền tảng công nghệ mới.
Xây dựng môi trường pháp lý và cải cách thủ tục hành chính phù hợp với yêu cầu của thực tiễn
Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã đề cập đến xuất bản điện tử, trong đó nhấn mạnh một trong những giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc: “Đổi mới, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ xuất bản”.
Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, qua các lần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan, các quy định về xuất bản điện tử ngày càng rõ hơn, tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho xuất bản điện tử.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trở thành rào cản đối với các doanh nghiệp hoặc NXB muốn phát triển xuất bản điện tử. Mặc dù điều kiện công nghệ đã và đang được hoàn thiện, song tình trạng vi phạm bản quyền vẫn là điểm mấu chốt ngăn cản một thị trường sách điện tử lành mạnh phát triển. Sách điện tử lậu, không bản quyền đang “phá giá” thị trường hoặc bị các cư dân mạng tự do chia sẻ, phát tán miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, trang mạng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các website vi phạm bản quyền không chỉ làm thiệt hại trực tiếp cho tác giả và NXB cũng như các đơn vị phát hành sách điện tử, mà còn làm xói mòn thị trường sách điện tử.Do đó, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, có cơ chế, chính sách phù hợp với tính đặc thù của ngành xuất bản, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, góp phần đưa ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ, bền vững, theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới.
Cùng với việc xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản cần từng bước đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng nhiều mô hình mới, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí của các NXB, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm và các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản.
Toàn cầu hóa hay Cách mạng công nghiệp 4.0 là một thực tế không thể chối bỏ trong thời đại hiện nay, vì vậy, ngành xuất bản cần thay đổi tư duy và phương thức hoạt động để “sớm về đích” trong kỷ nguyên số.
Mic.gov.vn
>> Đăng ký tư vấn: TẠI ĐÂY
----------
Công ty CP Truyền thông và Văn hóa Con Sóc (SCC.JSC) đã có 15 năm hoạt động trong thị trường xuất bản tại Việt Nam và Đông Nam Á với ba mảng hoạt động chính: Dịch vụ Xuất bản (trong nước và quốc tế), Giao dịch Bản quyền, Xuất nhập khẩu và Phát hành Sách
Đăng ký tư vấn: TẠI ĐÂY
Văn phòng 1: P502, tòa B3.7 Hacinco, Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Văn phòng 2: Phố sách 19/12, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn phòng 3: 159Ter, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh
Hotline: 0932373282 - 0903276959
Email: Copyright.scp2@gmail.com (Cc truyenthong.scp4@gmail.com)
Facebook: https://www.facebook.com/truyenthongvavanhoaconsoc