Chống sách giả, cần nhắm vào kẻ chủ mưu
Chủ tịch Hiệp hội In cho rằng để giải quyết tận gốc vấn nạn sách lậu, cần nhắm đến đối tượng chủ mưu khai thác, kinh doanh; không nên chỉ nhắm vào "phần ngọn" là những nhà in vốn chỉ là công cụ.
Sách giả, sách lậu từ lâu là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản. Đây là vấn đề được nêu ra tại nhiều buổi làm việc, các hội thảo chuyên ngành. Tại buổi làm việc của Ban Tuyên giáo TW với đại diện một số đơn vị xuất bản tại TP.HCM vào trung tuần tháng 9, "căn bệnh trầm kha" sách giả, sách lậu một lần nữa được cả người làm sách lẫn người quản lý xuất bản quan tâm.
Đại diện một nhà xuất bản cho biết mỗi năm đều nhiều lần nhận được văn bản yêu cầu hợp tác với cơ quan điều tra, cung cấp chứng cứ cho các vụ án sách giả, sách lậu. Mỗi lần như thế, đơn vị phải tìm và tra soát lại rất nhiều hồ sơ chứng từ. Đơn vị thậm chí nhận được giấy triệu tập ra làm việc với cơ quan chức năng tại Hà Nội để giải quyết một số vụ phát giác sách giả, sách lậu.
Đại diện một đơn vị khác nhận định rằng tuy đã tồn tại hàng chục năm nay, nhưng từ năm 2014, khi mạng xã hội và sàn thương mại điện tử (TMĐT) phát triển thì vấn nạn sách giả, sách lậu càng nở nộ và trở nên khó kiểm soát hơn bao giờ hết.
Nhà xuất bản phải "tự cứu mình"
Trong một số bài viết trước đây của Znews, nhiều đơn vị đã bày tỏ về việc gặp khó khăn khi đề nghị các sàn TMĐT hỗ trợ giải quyết vấn nạn sách giả, sách lậu. Theo các đơn vị này, quy trình kiểm duyệt và xử lý của các sàn TMĐT chưa đủ chặt chẽ và mạnh tay, tạo điều kiện cho sách giả, sách lậu hoành hành. Khi đơn vị xuất bản phát hiện thì quy trình xử lý khiến nại mất thời gian, dẫn đến kết quả không đáng kể khi số lượng cửa hàng sách lậu vẫn còn quá nhiều và liên tục được mở mới.
Nếu như sàn TMĐT khó quản lý, thì vấn nạn sách lậu trên mạng xã hội còn trầm trọng hơn, gần như không chịu một sự kiểm soát nào. Một chiêu trò thường thấy của người bán sách lậu là ăn cắp hình ảnh chụp sách từ các đơn vị xuất bản, phát hành có uy tín và ngang nhiên sử dụng. Trong các hội nhóm chia sẻ về sách, không khó để tìm thấy những chia sẻ của người mua cay đắng bị lừa mua phải sách giả, sách lậu vì người bán "treo đầu dê bán thịt chó".
Tốc độ làm sách giả cũng nhanh đến chóng mặt, khi nhiều đầu sách vừa phát hành được một vài tháng, thậm chí một vài tuần, đã bị làm giả trên thị trường. Nhiều đơn vị xuất bản thời gian qua đã phải "kêu cứu" trên fanpage Facebook về việc sách của đơn vị bị làm giả và rao bán trên nhiều trang. Một số đơn vị chủ động hướng dẫn người dùng phân biệt sách giả, sách thật và ứng dụng công nghệ in ấn, tem chống giả trong phát hành sách.
Tem cào phủ bạc nhận diện sách thật của Nhà xuất bản Trẻ. Ảnh: NXB Trẻ. |
Để tăng tính nhận diện cho sách thật, ngoài việc liên tục cập nhật các công nghệ in ấn và thiết kế trong ruột sách, bìa sách... Nhà xuất bản Trẻ còn ứng dụng công nghệ tem chống giả. Từ năm 2015, bìa sau các cuốn sách của Nhà xuất bản Trẻ được dán "tem thông minh", lớp trên phủ bạc, có thể cào ra được.
Những năm gần đây, Nhà xuất bản Trẻ tiếp tục cải tiến thêm tem cào chống giả này. Tem hiện nay có dạng vuông, phủ bạc, khi cào lớp bạc ra thì bên dưới có mã QR. Bạn đọc có thể quét mã để vào trang cơ sở khách hàng, tích điểm tương ứng với giá bìa sách. Mỗi tháng, Nhà xuất bản Trẻ có những phần quà là voucher mua sách dành cho những bạn đọc tích điểm nhiều nhất trong tháng, hoặc những bạn đọc có mã số được chọn ngẫu nhiên may mắn.
Cho đến nay, dấu hiệu "tem cào phủ bạc" là một trong những dấu hiệu nhận diện nhanh, đặc trưng và dễ dàng sách của Nhà xuất bản. Tuy nhiên, đơn vị vẫn còn trăn trở nhiều vè việc phổ biến cách thức phân biệt sách thật - giả đến bạn đọc. Đồng thời, đại diện đơn vị cho rằng cũng cần thêm những biện pháp can thiệp của cơ quan chức năng với các đơn vị làm sách giả, bán sách lậu.
Giải quyết nạn sách giả, sách lậu tràn lan hiện nay cũng là bảo vệ những đơn vị sản xuất, kinh doanh hợp pháp, cho một ngành đặc thù dễ chịu tổn thương là xuất bản, để các đơn vị này có thể tập trung nguồn lực đóng góp cho văn hóa đọc và nền tri thức nước nhà.
Giải quyết vấn đề tận gốc
Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng chia sẻ rằng công nghệ in ngày nay đã rất hiện đại, phát triển, có thể "nhân bản" một cuốn sách trong thời gian ngắn với độ giống sách mẫu rất cao. "Sách giả thì đương nhiên không thể nào giống sách thật 100% được, nhưng tôi đã bắt gặp những cuốn giống đến 80-90%. Chính tôi cầm trên tay còn thấy rất khó phân biệt", ông nói.
Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng (phải) và Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quang Dũng trong buổi làm việc tại Đường sách TP.HCM hôm 11/9. Ảnh: Duy Hiệu.
TP.HCM hiện có 1.360 doanh nghiệp in, chiếm gần 2/3 số doanh nghiệp hoạt động in của cả nước, trong đó, gần 700 cơ sở in được Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép, xác nhận đăng ký hoạt động in (khoảng 476 doanh nghiệp in xuất bản phẩm).
Ông Dòng cho biết số lượng thực tế các cơ sở in còn lớn hơn nhiều. Số lượng nhà in hiện nay dư thừa công suất so với yêu cầu của ngành xuất bản nói riêng và các ngành công nghiệp sản xuất nói chung, do đó phần nào tạo điều kiện cho những người dễ "mềm lòng" tiếp tay với sách giả.
Theo ông, các cơ sở tham gia vào việc in ấn sách giả, sách lậu đa phần là các đơn vị nhỏ, không trực thuộc Hiệp hội In. Các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội In là những doanh nghiệp lớn, do đó việc in sách giả với số bản in giới hạn thì không mang đến doanh thu đáng kể cho họ.
Ông cho rằng vấn nạn sách giả xuất phát từ những người trong ngành muốn trục lợi, nhắm vào những cuốn sách bán chạy trên thị trường. Người thu lợi lớn không phải đơn vị in, mà là đơn vị kinh doanh sách lậu.
Do đó theo ông, để giải quyết tận gốc vấn nạn sách giả, sách lậu, cần nhắm đến những đối tượng chủ mưu, tổ chức khai thác, kinh doanh sách lậu, không nên nhắm vào "phần ngọn" là những nhà in vốn chỉ là công cụ thực hiện kế hoạch của các ý đồ xấu.
Ông cũng chỉ ra rằng tại nhiều nước phát triển, luật sở hữu trí tuệ có chế tài rất mạnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bản quyền. Đối sánh, ông cho rằng chế tài hiện tại của Việt Nam quá nhẹ nhàng, không đủ sức răn đe và phòng ngừa việc in lậu.
Tiếp thu ý kiến từ các đơn vị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhận định để giải quyết vấn nạn sách giả, sách lậu sẽ cần đến những cập nhật trong các quy định, luật cũng như sự phối hợp của toàn ngành, liên ngành, nhiều bộ, đặc biệt là sự chung sức của Bộ Công an trong việc phát hiện, xử lý những cá nhân, đơn vị làm sách giả, sách lậu.
Thấu hiểu rằng "sách giả, sách lậu là vấn nạn nhức nhối", ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn vị xuất bản, Phó vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết trong những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo sắp tới đây của ngành sẽ cân nhắc sửa đổi, bổ sung nhiều điểm để siết chặt quản lý hơn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người làm sách.
Theo Znews.vn
-----
SCC - Đồng hành cùng tác giả, chủ sở hữu bản quyền, nhà xuất bản bảo vệ bản quyền. Chung tay đẩy lùi sách giả, sách lậu!
- Hotline: 0903 276 959 - 0932 373 282
- Website: https://squi-agency.vn/
- Email: copyright.scp2@gmail.com