Giỏ hàng

Chuyển đổi số trong xuất bản: Xu thế và thách thức

Đa dạng loại hình

Được in lần đầu năm 2012, đến nay cuốn sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn (Phương Nam Book và NXB Hội Nhà văn) của tác giả Phạm Lữ Ân (bút danh chung của nhà văn Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy) đã tái bản 30 lần, với 300.000 bản in.

Mặc dù được đón nhận và thường có mặt trong danh sách những đầu sách bán chạy, nhưng mới đây, 2 tác giả đã quyết định trao quyền cho Fonos (một ứng dụng sách nói có bản quyền mới ra mắt thị trường gần một năm nay) để tác phẩm có thêm một định dạng mới. Trong thời gian tới, một số tác phẩm khác như: Lạc giữa nhân gian, Những lối về ấu thơ, Hãy tìm tôi giữa cánh đồng... của 2 nhà văn cũng sẽ được Fonos chuyển thể thành Audiobook (sách nói).

Chia sẻ về quyết định này, nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy cho biết: “Với sự phát triển của công nghệ, nhiều nhu cầu đọc được phát sinh. Công việc của người làm xuất bản là đưa thông tin, nội dung, kiến thức đến cho độc giả cũng phải tận dụng các kênh công nghệ để phục vụ nhu cầu của người dùng. Hiện giờ, Nếu biết trăm năm là hữu hạn có 3 hình thức là sách giấy, Ebook (sách điện tử) và Audiobook. Ba phiên bản này phục vụ cho 3 nhu cầu khác nhau của độc giả, nên tôi nghĩ nó không tranh chấp hay loại trừ nhau”.

Chuyển đổi số trong xuất bản: Xu thế và thách thức ảnh 1

Các diễn giả trong chương trình tọa đàm “Văn hóa đọc trong xu thể chuyển đổi số” tại Đường sách TPHCM mới đây

Theo những người trong giới xuất bản, chuyển đổi số đang là xu thế không thể đảo ngược. Và thực tế hiện nay, độc giả đã không còn chỉ đọc và tiếp thu tri thức qua sách giấy mà tìm đến nhiều loại hình khác như Ebook, Audiobook, Clipbook, Podcast… Sau gần 2 năm ra mắt, ứng dụng sách nói có bản quyền Voiz FM, hiện có hơn 300.000 người dùng, 2.000 đầu sách, hơn 15 triệu phút được người dùng trả tiền để nghe, mỗi tháng có khoảng 2-3 triệu phút nghe được trả tiền. 

Ngoài sách nói, Công ty WeWe (nơi sở hữu ứng dụng sách nói Voiz FM) còn có thêm Podcast, có thể xem như một dạng sách nói và là kênh đắc dụng cho việc giới thiệu sách.

“Lúc mới thành lập, ban đầu nghe nói việc làm sách nói có bản quyền, không ít người đã nói với chúng tôi là thời buổi này, dân Việt Nam làm gì có chuyện trả tiền để nghe. Tuy nhiên, những con số trên đã chứng minh điều ngược lại. Đây là một tín hiệu tích cực giúp chúng tôi tin vào con đường mà mình đã chọn”, anh Lê Hoàng Thạch, CEO của WeWe chia sẻ.

Sau gần 10 năm tham gia vào thị trường Ebook, hiện tại NXB Tổng hợp TPHCM đã sản xuất được 3.000 đầu sách (thời điểm mới ra mắt là gần 500 đầu sách). Ra đời từ năm 2014, đến nay, Công ty Waka có hơn 3,2 triệu người dùng và hơn 13.000 nội dung điện tử đa dạng về thể loại, bao gồm: kinh doanh, kỹ năng, văn học, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, thiếu nhi… Đơn vị này cũng liên tục cập nhật, bổ sung những đầu sách best-seller trên thị trường của các NXB, công ty phát hành, các tác giả trong và ngoài nước.

Cần cởi mở hơn nữa

“Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời điểm hiện nay, nhất là khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có những lúc chúng ta phải thực hiện giãn cách. Tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM, chúng tôi đang số hóa các tài liệu quý hiếm, độc đáo, những tài liệu không còn thời gian bảo hộ bản quyền để phục vụ cho người sử dụng theo từng mức độ khác nhau. Số lượng xuất bản phẩm mà chúng tôi đã số hóa vào khoảng 10.000 bản, chưa kể các báo, tạp chí. Chúng tôi đã cập nhật lên website của thư viện để bạn đọc có thể đọc sách ở nhà”, ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM, cho biết.

Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Trưởng phòng Sachweb của NXB Tổng hợp TPHCM cho rằng, 10 năm để sản xuất 3.000 đầu sách điện tử chưa phải là nhiều. Tuy nhiên, con số này cũng nói lên sự cố gắng và nỗ lực của đơn vị này trong điều kiện cơ sở vật chất còn rất nhiều khó khăn, nhất là trong sự khó khăn chung khi tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến. “Quy trình sản xuất Ebook cực kỳ tốn thời gian, trong khi giá lại rẻ. Việc vi phạm bản quyền đã làm hạn chế thị trường của các đơn vị làm Ebook có bản quyền”, bà Diễm Phương nói.

Ngoài ra, một bất tiện đối với riêng loại hình Ebook là chưa có một app chung để phục vụ nhu cầu đọc sách điện tử của độc giả. Hiện tại, mỗi đơn vị có một app riêng, nếu độc giả muốn đọc sách của đơn vị nào thì phải tải các app này về điện thoại hoặc máy tính bảng.

Chuyển đổi số trong xuất bản: Xu thế và thách thức ảnh 2

Bạn đọc đọc sách điện tử trực tuyến từ website của NXB Tổng hợp TPHCM

Bà Diễm Phương nhìn nhận: “Bản thân tôi là người bán nhưng muốn đọc sách của đơn vị khác cũng phải làm như thế, nó bất tiện vô cùng. Cho nên, tôi rất kỳ vọng vào chủ trương chuyển đổi số, mong cơ quan quản lý đầu tư về nền tảng công nghệ, tạo ra một sân chơi chung cho các đơn vị đã và đang thực hiện Ebook. Nên có một nền tảng, giống như hệ sinh thái mà ở đó tập trung các NXB, các đơn vị làm sách lại. Họ chỉ đưa sách lên đó, rồi bạn đọc tải một app chung về sử dụng”.

Còn theo ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty sách Omega Plus, để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của người dùng hiện nay, cần cởi mở hơn nữa đối với hoạt động xuất bản điện tử.

“Trước đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu ra chương trình “Make in Vietnam” đối với giới công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức công nghệ và cả phi công nghệ đầu tư, sáng tạo hơn nữa những sản phẩm riêng của Việt Nam trong lĩnh vực này. Tôi nghĩ rằng lời kêu gọi của bộ trưởng có bao hàm cả công nghệ trong lĩnh vực xuất bản. Muốn có sự đột phá trong công nghệ xuất bản, đi đôi và hỗ trợ cho nó phải là tháo gỡ về cơ chế, sự tạo điều kiện và ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản - truyền thông, nhất là với các start-up non trẻ”, ông Vũ Trọng Đại nói thêm.

Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng cho thấy, loại hình Ebook đang có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2018 có 213 xuất bản phẩm điện tử được đăng ký, năm 2020 là 2.050 xuất bản phẩm với 1,5 triệu lượt truy cập. Từ 5 NXB được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử vào năm 2019 thì hiện đã tăng lên 9 NXB.