Sách lậu - Nguồn tri thức " vụng trộm" vẫn được bán tràn lan trên thị trường..
[Dịch vụ xuất bản SCC] Sách lậu từ xưa đến nay vẫn là vấn đề nhức nhối của nhiều đơn vị làm sách, đã và đang trở thành vấn nạn, ngoài tầm kiểm soát. Mới đây, sách lậu lại được “nâng lên một tầm cao mới”, hướng tới đối tượng độc giả nhiều tiền, muốn sưu tầm các bản sách đẹp, độc, lạ và ngang nhiên được rao bán trên các trang mạng xã hội. So với các hoạt động ở các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác thì tình trạng xâm hại bản quyền của ngành xuất bản luôn “ĐỨNG ĐẦU” và ở tình trạng “BÁO ĐỘNG ĐỎ".
Chất lượng in ấn và nội dung sách lậu
Không dừng lại ở đó, các trang bán sách nhái, sách giả, sách lậu ngày nay được bày bán nhan nhản trên Facebook, dẹp trang này, trang khác lại mở ra thay thế. Hình thức làm sách giả, sách lậu lại ngày càng tinh vi, chẳng hạn như tách cuốn sách ra làm nhiều phần, đem in mỗi phần ở một địa điểm khác nhau. Chính vì thế, mỗi đơn vị xuất bản lại phải tự tìm kiếm những cách thức khác nhau để bảo vệ sản phẩm của mình, từ nâng cao chất lượng sách, áp dụng công nghệ vào sách, làm các bản sách đặc biệt… nhưng cho đến nay sách vẫn bị làm giả với nhiều hình thức rất tinh vi. Dạo qua thị trường sách tại Hà Nội, có một điều không thể phủ nhận là sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật, khiến chỉ có những người trong nghề in và xuất bản lâu năm mới phát hiện được.
Nguyên nhân dẫn đến sự tràn lan, ngoài tầm kiểm soát của vấn nạn này là bởi hiện nay các đối tượng in lậu nắm được nhu cầu của thị trường, bạn đọc với một cuốn sách cụ thể, liền móc ngoặc với cơ sở in để in lậu. Những máy in với công suất lớn, hiện đại được hoạt động suốt đêm, sáng hôm sau các nhà sách đã được chào hàng những cuốn sách đang thuộc dạng bán chạy với giá thấp hơn giá của nhà xuất bản đưa ra. Nếu số sách in lậu bị tịch thu, đối tượng in lậu chỉ trả cho cơ sở in tiền mực in, giấy in, cơ sở in chỉ mất một phần tiền giấy in và mất công in. Nếu trót lọt, đối tượng in lậu và cơ sở in chia lợi nhuận theo tỷ lệ đã thỏa thuận. Không quản lý phí, không thuế, không tiền bản quyền, không nhuận bút..., “một vốn bốn lời” là mức lãi quá lớn của in lậu sách, đủ sức kéo bất kỳ cá nhân nào, kể cả nhân viên của nhà xuất bản hùn vốn hoặc góp sức ở một công đoạn nào đó để hưởng lợi nhuận.
Nghiêm trọng hơn hiện nay nhiều đối tượng cầm đầu, chủ mưu thực hiện hoặc móc nối với cán bộ của nhà xuất bản trong việc tiến hành các vụ in và phát hành sách lậu. Đơn cử như việc quyết định xuất bản ghi số lượng ít nhưng in số lượng nhiều; in lại toàn bộ hình thức, nội dung sách thật nhưng không xin phép; in những cuốn sách vi phạm bản quyền; in lại những cuốn sách đã được xuất bản; thuê biên tập lại cuốn sách đang bán chạy trên thị trường một cách sơ sài, thay đổi hoặc đổi đầu cuối nội dung rồi in dưới một cái tên khác...