Giỏ hàng

Tự dịch sách rồi đăng miễn phí trên mạng có vi phạm bản quyền không?

Có nhiều người tự dịch sách truyện nước ngoài sang Tiếng Việt rồi đăng công khai trên mạng để mọi người cùng đọc. Nhiều người cho rằng như vậy là đang chia sẻ tri thức, giúp nhiều người có cơ hội tiếp cận với sách hơn và chẳng có gì sai cả. Vậy tự dịch sách rồi đăng miễn phí trên mạng có vi phạm bản quyền không?

Hãy cùng SCC tìm hiểu nhé.

1. TỰ DỊCH SÁCH RỒI ĐĂNG MIỄN PHÍ TRÊN MẠNG CÓ VI PHẠM BẢN QUYỀN KHÔNG?

  • Trường hợp 1: Tác phẩm bạn dịch đang trong thời hạn được bảo hộ

Khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.”

Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”

Để được bảo hộ quyền tác giả thì tác phẩm phải đáp ứng các điều kiện nhất định bao gồm:

– Tác phẩm phải có tính sáng tạo nguyên gốc, tức là phải do chính tác giả sáng tạo ra, không phải sự sao chép tác phẩm của người khác.

– Tác phẩm phải được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định.

Mặt khác, để tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam thì tác giả của tác phẩm phải là:

– Tổ chức, cá nhân Việt Nam;

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác;

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

Theo như thông tin bạn cung cấp, tác phẩm bạn dịch là tiểu thuyết Trung Quốc. Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (hầu hết các quốc gia trên thế giới đều là thành viên của công ước Bern), do đó, chỉ cần tác phẩm gốc mà bạn dịch đáp ứng được yêu cầu có tính sáng tạo nguyên gốc và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định thì sẽ được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam.

Quyền tác giả đối với tác phẩm được bảo hộ tự động, không phải đăng ký, không phụ thuộc vào nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Cơ chế bảo hộ quyền tác giả là bảo hộ hình thức thể hiện của tác phẩm, chống lại hành vi sao chép tác phẩm, không bảo hộ về mặt nội dung, ý tưởng tác phẩm.

Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Một trong số các quyền tài sản của quyền tác giả làm tác phẩm phái sinh.

Thời hạn bảo hộ quyền tài sản thuộc quyền tác giả theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ là:

– Tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

– Tác phẩm có thông tin về tác giả có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết.

– Tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Khoản 8 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.”

Như vậy, việc bạn dịch tiểu thuyết từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt chính là làm tác phẩm phái sinh.

Khoản 7 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm hành vi: “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.”

Do đó, việc bạn dịch tác phẩm đang trong thời hạn bảo hộ mà không xin phép, không trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả là vi phạm pháp luật về quyền tác giả.

  • Trường hợp 2: Tác phẩm bạn dịch đã hết thời hạn bảo hộ

Trong trường hợp tác phẩm bạn dịch đã hết thời hạn bảo hộ theo quy định tại Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ thì bạn có quyền dịch tác phẩm mà không cần xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nhưng vẫn phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả: Không thay đổi tên tác phẩm, ghi tên tác giả trên tác phẩm, không sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.

2. VI PHẠM BẢN QUYỀN CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Trong trường hợp tác giả của tác phẩm phát hiện bạn xâm phạm quyền tác giả của mình hoặc một nhà xuất bản tại Việt Nam đã mua bản quyền tác phẩm phát hiện hành vi xâm phạm của bạn thì bạn có thể đối mặt với các hậu quả sau đây:

  • Bị xử phạt hành chính

Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có thể gửi đơn yêu cầu các cơ quan chức năng xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của bạn.

Theo Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP về hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh, bạn có thể bị:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

– Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số.

  • Bị khởi kiện dân sự

Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm có thể khởi kiện bạn để yêu cầu:

– Dỡ bỏ bản sao tác phẩm trên mạng internet

– Công khai xin lỗi tác giả

– Bồi thường thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả

Hãy liên hệ với TRUNG TÂM GIAO DỊCH BẢN QUYỀN - Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Con Sóc (SCC)

nhung-dieu-can-luu-y-khi-nhuong-quyen-thuong-hieu