Giỏ hàng

Từ "Ngày Sách và Bản quyền thế giới" đến "Ngày Sách Việt Nam"

Đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa đọc, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại Paris (ngày 25/10 - 16/11/1995), UNESCO (Tổ chức văn hoá, giáo dục, khoa học Liên hợp quốc) đã quyết định chọn ngày 23/4 hằng năm làm “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day) nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích niềm yêu thích đọc sách, đồng thời tôn trọng bản quyền tác giả của mọi người dân. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội... góp phần gắn kết các hoạt động sáng tác, xuất bản, phát hành với người đọc.

Trong suốt hơn 10 năm sau, khi Ngày Sách và Bản quyền thế giới ra đời, Việt Nam đã tích cực hưởng ứng và hiện thực hóa ngày này thông qua các hoạt động vô cùng ý nghĩa như: Triển lãm, trưng bày sách báo, triển lãm thư pháp, giao lưu tọa đàm giữa các nhà văn với bạn đọc, tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách… Bên cạnh đó còn có các hoạt động quyên góp ủng hộ sách, xây dựng tủ sách cho các địa phương khó khăn ở vùng xâu, vùng xa góp phần nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

 

Để phong trào đọc sách đi vào hoạt động có nền nếp và ngày càng phát triển sâu rộng trong toàn xã hội, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách Việt Nam”. Điều này không chỉ thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam với thế giới mà còn góp phần gắn kết các hoạt động được tổ chức trong nước để hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới. Các chuỗi hoạt động được tổ chức đồng loạt với những hình thức phong phú, đa dạng và ngày càng có chiều sâu đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa các trung tâm thông tin thư viện lớn đến thư viện trường học, giữa nhà xuất bản với các cơ quan phát hành, giữa tác giả với người đọc... Qua đó không ngừng nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

 

Dù là Ngày Sách và Bản quyền thế giới hay Ngày sách Việt Nam cũng đều hướng tới một mục đích cao cả đó là “Tôn vinh sách và văn hóa đọc”. Mỗi người hãy tự rèn luyện cho mình thói quen đọc sách hằng ngày. Sách không chỉ cho ta trí tuệ mà còn nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách để ta biết sống, biết yêu thương và cống hiến.

 

Xin được khép lại bài viết bằng một câu danh ngôn: "Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó sang nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người" - (Voltaire).