Giỏ hàng

Ký hiệu bản quyền là gì? Có ý nghĩa như thế nào?

[Trung tâm Giao dịch Bản quyền Con Sóc] Có lẽ mọi người không còn xa lạ với các biểu tượng, kí tự nhỏ được xuất hiện trên một góc nhỏ trong các sản phẩm hay đi kèm với tên sản phẩm, thương hiệu, bao bì.. Tuy chúng ta thường xuyên nhìn thấy những biểu tượng này nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về tên cũng như ý nghĩa của những biểu tượng này là gì, khi nào thì được sử dụng những biểu tượng đó. Đây là các ký hiệu liên quan đến sự bảo hộ của đối tượng sở hữu trí tuệ, mà thuật ngữ ngành luật gọi là “tình trạng pháp lý” của đối tượng đó.

♦ Ký hiệu C (©) – Copyrighted:

© là ký hiệu của Copyrighted. Nghĩa là bản quyền. Đây là một tập hợp tất cả các quyền lợi cho việc sử dụng và quyền sở hữu đối với một sản phẩm, dịch vụ hay một ý tưởng nào đó. Nghiêm cấm tất cả mọi tổ chức, cá nhân sử dụng một sản phẩm, dịch vụ hay một ý tưởng nào đó nếu chưa được sự đồng ý của người sở hữu. Tất cả các quyền lợi hợp pháp này sẽ được Cơ quan quản lý bảo hộ.

Đối tượng được bảo vệ của quyền tác giả là các tác phẩm văn học , nghệ thuật khoa học như: các tác phẩm âm nhạc, văn học, tác phẩm kiến trúc, các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

Theo nghĩa đen, Copyrighted nghĩa là “quyền được sao chép y nguyên” (right to copy) không bỏ sót chi tiết nào đối với một sản phẩm, dịch vụ hay một ý tưởng nào đó. Còn theo nghĩa rộng hơn thì Copyrighted không chỉ bao hàm các sản phẩm vật chất, nó có thể bao gồm các sản phẩm vô hình, các tác quyền nghệ thuật, chương trình truyền hình, kiểu dáng công nghiệp… và một số hình thức biểu hiện khác. Đại thể nó giống như một quyền lợi cho phép người có quyền này sao chép, phát hành và sử dụng một sản phẩm trí tuệ nguyên bản.

♦ Ký hiệu R (®) – Registered:

Ký hiệu này có hàm ý nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ với cơ quan nhà nước. Vì vậy, trong các trường hợp, nhãn hiệu đã được đăng ký thì sử dụng ký hiệu này để thông tin cho người tiêu dùng biết là nhãn hiệu đó đã được pháp luật bảo hộ. Nếu chưa được bảo hộ thì không được dùng ký hiệu này.

Để được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì nhãn hiệu này phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Được quy định trong Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ. Quá trình đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài trong ít nhất 12 tháng. Hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là 10 năm kể từ ngày nộp hồ sơ. Có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm.

Hiện tại ở Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ với trụ sở chính ở Hà Nội và hai văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.

♦ Ký hiệu TM (™) –Trademark:

™ là ký hiệu của Trademark. Nghĩa là nhãn hiệu. Trademark là những ký hiệu để phân biệt sản phẩm dịch vụ hoặc của chính một công ty này với một công ty khác. Ở một số quốc gia, người ta còn sử dụng cả SM (Service Mark, nghĩa là dấu hiệu dịch vụ) cho các sản phẩm dịch vụ.

Dùng TM khi nhãn hiệu đó chưa được hoặc không được bảo hộ nhưng chủ sở hữu muốn dùng biểu tượng đó như một nhãn hiệu và khẳng định quyền của mình đối với nhãn hiệu đó để cảnh báo bên thứ 3 không nên xâm phạm. Tuy nhiên nếu có tranh chấp về nhãn hiệu thì cá nhân, tổ chức sử dụng sản phẩm nhãn hiệu TM (™) sẽ không được bảo vệ quyền lợi giống như sản phẩm mang ký hiệu R (®).

Hi vọng với bài viết giới thiệu về các kí tự Bản quyền trên, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về các kí hiệu, kí tự xuất hiện trên những sản phẩm, thương hiệu của mình. Theo dõi chúng tôi - Trung tâm Giao dịch Bản quyền Con Sóc để được cung cấp thêm nhiều kiến thức hữu ích về sách cũng như những kiến thức chuyên ngành và khoa học khác nhé! Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của chúng tôi!