Giỏ hàng

Dịch, xuất bản sách nước ngoài - mua bản quyền thôi chưa đủ

Hiện nay, không khó để người đọc tiếp cận đến những ấn phẩm nước ngoài tại các nhà sách, sạp báo. Sau mua bản quyền, cần thực hiện thủ tục nào mới đến tay người đọc?

Bản quyền sách và các giai đoạn sau khi mua bản quyền sách nước ngoài

Sách là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, có nhiều chủ đề từ kiến thức, kinh nghiệm sống, cảm xúc con người, tự sự,... Theo đó, sách nước ngoài là những tác phẩm được sáng tạo và trình bày theo ngôn ngữ khác không phải của nước sở tại.

Bản quyền hay còn gọi là quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Sau khi thực hiện mua bản quyền, việc tiếp theo cần làm là công đoạn xuất bản nó.

Theo điều 4 Luật Xuất bản năm 2012 thì “Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử”.

Cũng theo điều 26 Luật Xuất bản năm 2012 thì “Việc xuất bản tác phẩm, tài liệu của tổ chức, cá nhân nước ngoài để kinh doanh tại Việt Nam phải được nhà xuất bản Việt Nam thực hiện”.

Theo đó, khi muốn tiến hành dịch hay bán các ấn phẩm nước ngoài, việc trước hết mà các xuất bản phải thực hiện mua bản quyền. Đây được coi là một công đoạn đương nhiên và quan trọng vào bậc nhất của hoạt động xuất bản. Tiếp theo đó là chuyển ngữ và hoàn thành công đoạn xuất bản.

Thực trạng việc dịch và xuất bản sách nước ngoài tại Việt Nam

Ngày càng nhiều nhà xuất bản tại Việt Nam chú trọng việc mua bản quyền sách, không chỉ vậy nó còn trở thành cuộc đua giữa các đơn vị khi phải nắm bắt được thời cơ phù hợp nhằm giảm tối đa chi phí. Thông thường, các nhà xuất bản phải trả cho chủ sở hữu bản quyền nước ngoài là 6% - 8% giá bìa của tổng số bản tiêu thụ (các đối tác nước ngoài thường yêu cầu trả trước trên cơ sở số lượng để tính toán, thấp nhất là 2.000 bản). Việc trả tiền bản quyền để dịch tác phẩm trong nước ra tiếng nước ngoài cũng khoảng 4-12% giá bìa của tổng số lượng in.

Các đơn vị làm sách, nhà xuất bản đều có đội ngũ khai thác bản quyền, chuyên tìm kiếm nguồn sách ở các nước có ngành xuất bản phát triển. Các tác phẩm đạt giải thưởng như giải Nobel Văn học, giải Pulitzer hay các tác giả đang gây chú ý với danh mục sách bán chạy trên thế giới đều được họ để ý, theo sát và liên hệ với để thương lượng mua bản quyền.

Ví dụ như việc công ty sách Tao Đàn đã mua trọn bản quyền xuất bản trong 7 năm để giới thiệu cuốn sách đạt giải Nobel văn học "Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ" tại Việt Nam với giá 700 USD trước một tháng. Nếu chọn sai thời điểm chắc chắn số tiền bỏ ra mua bản quyền có thể gấp nhiều lần. Các nhà xuất bản cũng dần nhạy bén hơn trong việc nắm bắt thời cơ, chọn ấn phẩm tốt và chọn thời điểm phát hành.

NXB Tao Đàn đón đầu thời cơ mua bản quyền sách (Nguồn: Sachtaodan.vn)

Tuy nhiên, cũng có không ít ấn phẩm nước ngoài sau khi được mua bản quyền lại bị dịch ẩu, dịch sai, tự ý cắt gọt, chỉnh sửa dẫn đến sai lệch nội dung, gây bức xúc dư luận. Nhiều nhà xuất bản, công ty sách nhằm đuổi kịp độ nóng của cuốn sách mà thiếu tính toán và chuẩn bị làm ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm. Hơn nữa, có nhiều trường hợp thiếu tìm hiểu, chuyên môn dẫn đến  lựa chọn mua sai tác phẩm có nội dung vô bổ, có nội dung, tư tưởng trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Không chỉ vậy, không ít tác phẩm hay, phải bỏ khoản tiền lớn để mua bản quyền, tổ chức sự kiện truyền thông trên báo chí, sóng truyền hình lại được chuyển ngữ bởi những dịch giả vô danh, ít tên tuổi nhằm giảm chi phí, tránh đẩy giá sách lên cao, làm giảm sức mua. Chính vì lẽ đó mà với các cuốn sách nội dung phức tạp liên quan đến văn hóa đặc biệt là văn hóa địa phương, bản sắc dân tộc khác lại không được truyền tải thành thục ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ Việt.

Điển hình như vụ việc của công ty Alpha Books và Trung tâm hợp tác trí tuệ Việt Nam vào năm 2016. Hai đơn vị này đã kêu gọi bạn đọc đặt mua trước để ủng hộ 150 triệu đồng giúp mua bản quyền xuất bản cuốn Xứ Đông Dương. Sau hơn hai tháng, số tiền đặt mua lên tới gần 160 triệu đồng. Vậy nhưng khi nhận được ấn phẩm đến tay thì trái với kỳ vọng của bạn đọc, cuốn sách có quá nhiều lỗi, một số câu dịch sai hẳn nội dung so với nguyên tác và người dịch như còn thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức văn hóa - lịch sử. Trước phản hồi của bạn đọc, Alpha Books đã tuyên bố sửa chữa, tái bản cuốn sách đồng thời dừng phát hành bản in cũ và đổi lại bản tái bản cho tất cả độc giả đã đóng góp tiền xuất bản cuốn sách cũng như đã mua cuốn sách trên. Tuy nhiên sau đó cuốn sách bản cũ vẫn được phát hành, chỉ đính kèm một tờ giấy nhỏ chú thích rất sơ sài.

Sai sót dịch thuật làm ảnh hưởng đến uy tín NXB (Nguồn: shop.alphabooks.vn)

Hay trường hợp cuốn "Vô tri" (tác giả: Milan Kundera, người dịch: Cao Việt Dũng) từng được Công ty Sách Nhã Nam thừa nhận hồi năm 2012 rằng có 264 lỗi cần sửa, trong đó 87 lỗi sai nghĩa, 67 lỗi chệch nghĩa, 77 lỗi diễn đạt, 33 lỗi sót từ/câu so với nguyên bản. Tác phẩm kinh điển "Mật mã Da Vinci" của Dan Brown, bản dịch của Đỗ Thu Hà bị đánh giá là sai vì kém cả tiếng Anh và tiếng Việt ở mức sơ đẳng, kém cả kiến thức về tôn giáo, lịch sử và địa lý…

Cần làm gì để thay đổi thực trạng trên?

  • Chọn lựa những dịch giả sách có chuyên môn, chất lượng

Chất lượng dịch giả chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc là một vấn đề đáng quan tâm. Các nhà xuất bản phải đối mặt với tình trạng thuê dịch giả mà không can thiệp, đánh giá chất lượng bản dịch mà xuất bản ngay nhằm chớp cơ hội tiếp cận người đọc sớm nhất dẫn đến chất lượng sách thấp, gây mất niềm tin tới người đọc. Nhưng nếu dành thời gian kiểm duyệt hay tìm dịch giả uy tín, chất lượng thì lại bị ngưng trệ thời gian, có thể kéo dài đến mấy năm, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, giảm khả năng cạnh tranh.

Do đó, ngay từ khâu tuyển chọn dịch giả để trao niềm tin cũng giống như trao một nửa yếu tố quyết định thành công cho tác phẩm cần được tiến hành kỹ lưỡng, tránh tình trạng dịch ẩu, dịch sai, gây mất uy tín cho nhà xuất bản.

  • Đội ngũ biên tập viên tận tâm, làm tròn trách nhiệm

Một số biên tập viên yếu kém về nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, thiếu thông tin và nhạy bén trước những vấn đề có tính nhạy cảm dẫn đến công tác kiểm duyệt không được chú trọng, chỉ khi sai phạm được bạn đọc, dư luận và báo chí phản ánh sau thời gian dài sách được xuất bản và lưu hành trên thị trường mới được xem xét và tiến hành chỉnh sửa cho phù hợp. Do đó, đội ngũ kiểm duyệt từ chính các đơn vị xuất bản cần nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kiến thức để tránh việc ấn phẩm có nội dung sai lệch vẫn được đưa đến tay người đọc mà bị bỏ lơ khâu kiểm duyệt.

  • Tăng cường liên kết giữa nhà xuất bản và các đơn vị hợp tác

Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, hiện nay có khoảng 80 - 90% số đầu sách mỗi năm là sách liên kết. Và 90% số sai phạm thuộc về sách liên kết xuất bản. Nhà xuất bản đứng tên thường chỉ cấp giấy phép, còn các khâu từ chọn bản thảo, biên tập đến in ấn, phát hành đều do các đơn vị tư nhân thực hiện. Vì vậy, liên tiếp những cuốn sách sai sót cả về câu chữ, chính tả đến nội dung đã lọt ra thị trường mà thiếu quản lý. Các đơn vị cần hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để tránh tình trạng hoàn thành công việc độc lập, thiếu liên kết, dẫn đến thành quả cuối cùng không đồng bộ, thiếu thống nhất.

  • Tạo quan hệ hợp tác với các đối tác xuất bản nước ngoài

Sự liên kết giữa các nhà xuất bản trong nước và nước ngoài trong việc dịch và ấn hành các tác phẩm còn rất thiếu và rất yếu. Chúng ta chưa tạo đủ niềm tin và tiềm lực để thu hút cũng như tạo uy tín với các nhà xuất bản nước ngoài. Ngay cả đối với các nhà xuất bản trong nước thì những biện pháp hữu hiệu nhằm khuyến khích, kích cầu cũng còn hạn chế.

Các nhà xuất bản vẫn đang không ngừng nỗ lực mang đến những tác phẩm kinh điển từ nước ngoài đến với bạn đọc trong nước. Tuy nhiên, nếu việc dịch và xuất bản không được kiểm soát đúng đắn, chặt chẽ hơn thì tác động của nó đến một bộ phận độc giả sẽ dễ dẫn những nhận thức sai lệch, tiêu cực.

Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Theo Ngọc Hà - Phapluatbanquyen.phaply.vn