Những vấn đề pháp lý về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
(PLBQ) - Thực tiễn, hoạt động nhượng quyền rất phát triển, đã và đang được các chủ thể trên thế giới thực hiện một cách thường xuyên. Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh này mới phát triển mạnh mẽ một vài năm trở lại gần đây khi những lợi ích to lớn mà mô hình này mang lại. Tuy nhiên, để hoạt động này phát triển một cách có hiệu quả thì cần có hành lang pháp lý vững chắc và ổn định.
Căn cứ pháp lý cho hoạt động nhượng quyền thương mại
Hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.
Lần đầu tiên trong pháp luật Việt Nam, mục 4.1.1 Thông tư số 1254/1999/TT-BKHCNMT ngày 12/7/1999 đã đề cập đến “hợp đồng cấp phép đặc quyền kinh doanh” - tiếng Anh gọi là franchise.
Tiếp đó, Nghị định số 11/2005/NĐ-CP ngày 02/02/2005 quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ cũng đề cập đến hoạt động cấp phép đặc quyền kinh doanh với tư cách là một nội dung của hoạt động chuyển giao công nghệ. Theo Điều 4 Khoản 6 Nghị định này, cấp phép đặc quyền kinh doanh là hoạt động trong đó “bên nhận sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá và bí quyết của bên giao để tiến hành hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại” (Thông tư số 1254/1999/TT-BKHCNMT và Nghị định số 11/2005/NĐ-CP đã hết hiệu lực).
Điều 755 Bộ luật Dân sự 2005 (Đã hết hiệu lực) cũng quy định rằng cấp phép đặc quyền kinh doanh là một trong những đối tượng chuyển giao công nghệ.
Đây chính là những sự ghi nhận đầu tiên về nhượng quyền thương mại (NQTM) trong pháp luật Việt Nam.
Với sự ra đời của Luật Thương mại 2005 (có hiệu lực ngày 01/01/2006), NQTM chính thức được công nhận và luật hoá trong 8 điều, từ Điều 284 đến Điều 291. Ngày 31/03/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động NQTM (Nghị định số 35/2006/NĐ-CP).
Ngày 25/05/2006, Bộ Thương mại ban hành Thông tư số 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động NQTM (sau đây gọi là Thông tư số 09/2006/TT-BTM).
Các văn bản này đã điều chỉnh một cách cơ bản các vấn đề về NQTM. Ngoài ra, do tính chất đặc thù, hoạt động NQTM còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về chuyển giao công nghệ, pháp luật cạnh tranh, và các quy định pháp luật khác có liên quan (như pháp luật về dịch vụ phân phối, pháp luật về thuế, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư, pháp luật phá sản, pháp luật điều chỉnh hoạt động quảng cáo chào bán quyền thương mại, pháp luật hành chính, pháp luật hình sự,…).
Như vậy, khung pháp lý cơ bản cho hoạt động NQTM đã được hình thành, mặc dù còn sơ sài nhưng đã tạo cơ sở cho NQTM phát triển tại Việt Nam.
Những vấn đề pháp lý cơ bản về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
- Điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại:
Không phải thương nhân nào có hệ thống hoạt động kinh doanh cũng được phép nhượng quyền.
Điều này đã được khẳng định tại Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP được ban hành ngày 15/01/2018 về việc sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương quy định thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: “Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”.
Lưu ý: Điều kiện "đã được hoạt động ít nhất 01 năm" áp dụng đối với hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền, không áp dụng cho thương nhân.
Hình thức hợp đồng nhượng quyền thương mại:
Theo quy định tại Điều 285 Luật Thương mại: “Hợp đồng NQTM phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Ví dụ như điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Việc quy định như vậy đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của hợp đồng NQTM, tạo căn cứ vững chắc cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng và tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng:
Theo quy định tại các Điều 286, 287, 288, 289 Luật Thương mại 2005, các bên sẽ có những quyền và nghĩa vụ cơ bản sau:
Bên nhượng quyền có ba quyền cơ bản là:
Thứ nhất, nhận tiền nhượng quyền;
Thứ hai, tổ chức quảng cáo cho hệ thống NQTM;
Thứ ba, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống NQTM và sự ổn định về chất lượng hàng hoá/dịch vụ.
Đi đôi với quyền, bên nhượng quyền cũng có những nghĩa vụ nhất định:
- Thứ nhất, cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống NQTM cho bên nhận quyền;
- Thứ hai, đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho bên nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống NQTM;
- Thứ ba, thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của bên nhận quyền;
- Thứ tư, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng NQTM;
- Thứ năm, đối xử bình đẳng với các bên nhận quyền trong hệ thống NQTM.
Bên nhận quyền có quyền:
- Thứ nhất, yêu cầu bên nhượng quyền cung cấp đầy đủ sự trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống NQTM;
- Thứ hai, yêu cầu bên nhượng quyền đối xử bình đẳng giữa các bên nhận quyền trong hệ thống NQTM.
Bên nhận quyền được sử dụng, khai thác quyền thương mại thuộc sở hữu của bên nhượng quyền, do đó phải chịu nhiều ràng buộc từ phía bên nhượng quyền và các nghĩa vụ đặt ra đối với bên nhận quyền cũng nhiều hơn, bao gồm:
- Thứ nhất, trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng NQTM;
- Thứ hai, đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền mà bên nhượng quyền chuyển giao;
- Thứ ba, chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền, tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của bên nhượng quyền;
- Thứ tư, giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng NQTM kết thúc hoặc chấm dứt;
- Thứ năm, ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng NQTM;
- Thứ sáu, điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống NQTM;
- Thứ bảy, không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên trong hợp đồng NQTM khá là tương đồng với quy định của pháp luật các nước khác trên thế giới.
Những trường hợp được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và sự ràng buộc giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền sau khi chấm dứt hợp đồng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên:
Khoản 2 Điều 13 và Điều 16 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định những điều kiện để bên nhượng quyền và bên nhận quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Theo đó, các bên chỉ được phép chấm dứt khi có những lý do chính đáng, đồng thời cho phép bên nhận quyền được sửa chữa những sai phạm khi vi phạm nghĩa vụ không cơ bản trong hợp đồng. Các quy định này đã tương đối bao quát các trường hợp có thể xảy ra, nhằm đảm bảo quyền và lợi chính đáng cho các bên khi tham gia hợp đồng NQTM.
Pháp luật các nước rất quan tâm đến vấn đề chấm dứt hợp đồng NQTM trong trường hợp này. Thông thường, các quy định pháp luật được xây dựng theo hướng bảo vệ quyền lợi của bên nhận quyền thông qua việc đảm bảo rằng, bên nhượng quyền có lý do hợp lý để chấm dứt hợp đồng hoặc bằng cách trao cho bên nhận quyền quyền được sửa chữa vi phạm hợp đồng.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 4 Điều 289 Luật Thương mại, sự ràng buộc giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền vẫn tiếp tục ngay cả sau khi hợp đồng đã chấm dứt. Theo đó, bên nhận quyền phải giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt. Khi tham gia vào hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền phải chuyển giao cho bên nhận quyền công nghệ, bí quyết kinh doanh, là điều kiện tiên quyết để làm nên thành công cho bên nhượng quyền. Khi hợp đồng NQTM kết thúc, công việc kinh doanh của bên nhượng quyền có thể gặp rủi ro nếu có một bên không có lợi ích liên quan (bên nhận quyền cũ) biết được bí quyết kinh doanh của mình. Do đó, đây là quy định cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng cho bên nhượng quyền, đem lại sự an tâm cho bên nhượng quyền khi tham gia vào hoạt động NQTM.
Quy định về việc cung cấp thông tin về hệ thống nhượng quyền thương mại
Quy định của pháp luật Việt Nam về việc cung cấp thông tin về hệ thống NQTM, về cơ bản là tương đồng với pháp luật các nước, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế (Luật mẫu về thông tin NQTM năm 2002 của UNIDROIT). Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, ít nhất 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng, bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng NQTM mẫu và bản giới thiệu về NQTM của mình cho bên dự kiến nhận quyền, nếu các bên không có thoả thuận khác. Đây là thời gian phù hợp để bên dự kiến nhận quyền có thể xem xét và cân nhắc về việc có tham gia vào hệ thống nhượng quyền hay không.
Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên nhượng quyền còn được đặt ra sau khi hợp đồng đã được ký kết, trong suốt quá trình kinh doanh, nếu như bên nhượng quyền có những thay đổi quan trọng trong hệ thống NQTM mà có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh theo phương thức NQTM của bên nhận quyền. Nội dung bản giới thiệu về NQTM rất quan trọng đối với bên dự kiến nhận quyền trong việc đi đến quyết định có tham gia vào hệ thống NQTM của bên nhượng quyền hay không.
Chính vì thế mà nội dung này được pháp luật quan tâm điều chỉnh và được quy định khá chi tiết trong Thông tư 09/2006/TT-BTM. Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP bổ sung thêm nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên nhượng quyền thứ cấp cho bên dự kiến nhận quyền thứ cấp trong trường hợp quyền thương mại đã cấp là quyền thương mại chung. Theo đó, ngoài những thông tin trên, bên nhượng quyền thứ cấp còn phải cung cấp thêm thông tin về bên nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình; nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại chung; và cách xử lý các hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp trong trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại chung.
Quy định về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
Trước khi tiến hành hoạt động NQTM, bên nhượng quyền phải đăng ký hoạt động này với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông qua những thông tin đăng ký, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định doanh nghiệp có đủ khả năng để hoạt động NQTM hay không. Nghị định số 120/2011/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 16/12/2011 sửa đổi bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP và Thông tư số 09/2006/TT-BTM quy định cụ thể về hồ sơ đăng ký, thủ tục tiếp nhận hồ sơ, thời hạn trả lời của cơ quan tiến hành đăng ký, thủ tục tiến hành đăng ký vào Sổ đăng ký hoạt động NQTM, thủ tục đăng ký lại khi thương nhân chuyển địa chỉ trụ sở chính sang tỉnh khác, thủ tục thay đổi thông tin đăng ký trong hoạt động NQTM, thủ tục xoá đăng ký hoạt động NQTM.
Nhìn chung, những quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký hoạt động NQTM là tương đối đơn giản và minh bạch theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các thương nhân, nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động này.
Quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại
Pháp luật Việt Nam đã quy định những hành vi bị coi là vi phạm pháp luật hành chính trong hoạt động nhượng quyền thương mại và chế tài xử lý đối với chúng, nhằm đảm bảo một môi trường lành mạnh cho hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển. Cụ thể nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong hoạt động NQTM của cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền, bao gồm: kinh doanh NQTM khi chưa đủ điều kiện quy định; NQTM đối với những hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hoạt động NQTM; thông tin trong bản giới thiệu về NQTM có nội dung không trung thực; vi phạm quy định về đăng ký hoạt động NQTM; vi phạm quy định về thông báo trong hoạt động NQTM; không nộp thuế theo quy định của pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành kiểm tra, thanh tra; vi phạm các quy định khác của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP.
Tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, chế tài áp dụng có thể bao gồm xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, phải bồi thường thiệt hại nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác. Nhưng các qui định này vẫn có hạn chế là chỉ mang tính nguyên tắc, chưa đủ cụ thể để áp dụng trong thực tiễn.
Lý do hay xảy ra tranh chấp
Quan hệ nhượng quyền thương mại luôn luôn tiềm ẩn những mâu thuẫn và xung đột lợi ích giữa các bên. Bên nhượng quyền có xu hướng chi phối kiểm soát càng nhiều càng tốt đối với hoạt động của bên nhận quyền nhằm đảm bảo quyền liên quan đến tài sản mà mình đã mất nhiều công sức, thời gian để tạo dựng. Ngược lại, bên nhận quyền lại luôn muốn hạn chế sự can thiệp của bên chuyển nhượng và phát triển các quyền thương mại được chuyển nhượng theo ý muốn của mình.
Nếu như không được thỏa thuận để cân bằng lợi ích thì bất kỳ tại thời điểm nào của mối quan hệ cũng có thể xảy ra tranh chấp. Các tranh chấp này có thể xuất phát từ nhiều lý do:
Thứ nhất, bên nhượng quyền gây ảnh hưởng đến tính độc lập của bên nhận quyền, coi bên nhận quyền như người làm công ăn lương, và áp đặt sự kiểm soát trái với tinh thần của hoạt động NQTM.
Thứ hai, các bên có quan điểm rất sai lầm khi cho rằng, chỉ cần ký hợp đồng NQTM là có thể kinh doanh thành công. Đến khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi, bên nhận quyền cho rằng, đó là do lỗi của bên nhượng quyền. Đây là cách tư duy rất thiếu trách nhiệm.
Trên thực tế, sự không thành công trong kinh doanh có thể do nhiều nguyên nhân:
Không được đào tạo cơ bản, không có khả năng tính toán kinh tế (không biết quản lý nhân viên, ngân sách) Không có khả năng đàm phán nhiều loại hợp đồng mà một chủ doanh nghiệp phải làm (hợp đồng với ngân hàng, với nhân viên, với các nhà cung cấp dịch vụ); Nghiên cứu và thực hiện bí quyết một cách hời hợt; Không đủ vốn kinh doanh.
Khi biết là đã quá muộn để khắc phục các sai sót trên, các bên thường đổ lỗi lẫn nhau, từ chối thanh toán các khoản tiền, đòi hỏi bên kia phải gánh vác những khoản lỗ.
Thứ ba, một trong các bên cố tình lợi dụng hoạt động NQTM bằng các biện pháp không trung thực. Ví dụ như:
Bên nhượng quyền thu tiền gia nhập mạng lưới của bên nhận quyền, sau đó biến mất. Thiết lập mạng lưới chỉ với một mục đích là duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp. Bên nhận quyền có mưu đồ chiếm đoạt bí quyết của bên nhượng quyền theo kiểu gián điệp, thâm nhập vào mạng lưới NQTM để nắm giữ bí quyết.
Pháp luật điều chỉnh hoạt động NQTM mới chỉ hình thành và đang phát triển. Những quy định còn ở mức mang tính chất khung, và còn nhiều vấn đề chưa được đề cập tới. Tuy nhiên, bước đầu đã tạo điều kiện, là bước đệm cần thiết cho hoạt động NQTM và đem lại lợi ích cho nền kinh tế.