20 tác phẩm chuyển thể hay nhất mọi thời đại (Phần 1)
Hãy đọc những cuốn sách này và cũng đừng bỏ lỡ phiên bản chuyển thể của chúng!
Dòng phim chuyển thể vốn được xem là sở trường của Hollywood. Đáng tiếc, việc chuyển thể mọi thứ, từ văn học kinh điển đến tác phẩm hiện đại, luôn khơi mào cho cuộc chiến “Phiên bản nào hay hơn, phim hay sách?” Thật ra, việc tận hưởng cả sách gốc và bản chuyển thể của nó là một trải nghiệm đáng giá, vì chúng có xu hướng bổ sung chứ không đối chọi nhau. Dưới đây là 20 tác phẩm chuyển thể hay nhất đang chờ đón bạn!
Emma của Jane Austen và phim Emma (2020)
Khi có đầy rẫy hàng nghìn (vâng đây là một con số phóng đại) câu chuyện chuyển thể từ tiểu thuyết của Jane Austen ngoài kia, chúng ta chắc hẳn đã thực sự chán ngấy việc nhìn thấy Emma trên màn hình nhỏ, tuy nhiên, phiên bản năm 2020 với sự tham gia của Anya Taylor-Joy và đạo diễn bởi Autumn de Wilde vẫn cực kỳ thú vị.
De Wilde đã thổi hơi thở hiện đại vào bản chuyển thể của mình, điều này khiến sắc thái châm biếm xã hội sắc sảo của Austen không còn được rõ nét, nhưng thay vào đó, nó đã giúp câu chuyện trở nên hài hước và thoải mái hơn. Nhưng về tổng thể, tất cả vẫn hỗn loạn một cách quyến rũ đúng như ý định của sách gốc. Cách Taylor-Joy hóa thân thành Emmađã thực sự tạo nên sự khác biệt cho bộ phim, vì bằng cách nào đó, cô ấy đã làm cho nhân vật chính đôi lúc trở nên đáng ghét. Bản thân Emma trong sách có lẽ cũng không thể tìm được đối thủ nào xứng tầm hơn! – Ruth Kinane
Team of Rivals: The Political Genius of Abraham Lincoln của Doris Kearns Goodwin và phim Lincoln (2012)
Trong phần hậu đề, Steven Spielberg viết rằng bộ phim đoạt giải Oscar của mình chỉ “dựa một phần” vào tiểu sử vĩ đại Team of Rivals của Doris Kearns Goodwin về vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ (do Daniel Day-Lewis thủ vai) và ba thành viên nội các vốn từng là đối thủ chính trị của ông.
Phần lớn câu chuyện của Lincoln chỉ xoay quanh vài trang tiểu thuyết, tập trung vào các động thái mờ ám của tổng thống để buộc Quốc Hội thông qua Tu chính án thứ 13, theo đó bãi bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ ở nước Mỹ. Nhưng nếu bạn xem Lincoln sau khi đọc Team of Rivals (hoặc ngược lại), bạn sẽ bị ấn tượng bởi cách bộ phim lồng ghép các chi tiết trong cuốn sách một cách vô cùng khéo léo, từ cách lập luận phức tạp của Lincoln về tính hợp pháp của Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ, đến các mối quan hệ của ông với vợ Mary (Sally Field) và Ngoại trưởng William Seward (David Strathairn), đặc biệt là thói quen thích kể truyện dân gian và truyện cười của ông (nhiều câu chuyện trong số này đã được đem nguyên văn lên màn ảnh).Hiếm có cuốn sách và bản phim chuyển thể nào lại là những tác phẩm đồng hành tuyệt vời đến vậy. – Tyler Aquilina
Room của Emma Donoghue và phim Room (2015)
Tiểu thuyết viết về cảnh giam cầm được xuất bản năm 2010 thật ra không cần đến ‘phép thuật của nhà làm phim’ để mang đến một câu chuyện thực sự căng thẳng.
Bất kỳ ai đã đọc cuốn sách đều biết rõ cảm giác hồi hộp khi lật giở từng trang, vừa vui mừng vừa sợ hãi. Khi bộ phim chuyển thể được công chiếu năm năm sau đó, cảm giác khó chịu đến nghẹt thở vẫn hiện hữu, buộc người xem phải ngồi tựa sát vào thành ghế của mình. Vừa bất an vừa thót tim, cả cuốn sách và bộ phim (chuyển thể bởi chính tác giả Emma Donoghue) đều buộc ta phải đặt chân vào không gian tối tăm, tù túng đến nghẹt thở của câu chuyện, trước khi được thả ra nơi khung trời tươi sáng, đầy hy vọng, rộng mở, bàng hoàng nhưng vẫn có phần cảnh giác. – RK
The Princess Diaries của Meg Cabot và phim The Princess Diaries (2001)
Dù là trong trang sách hay trên màn ảnh, ai cũng muốn trở thành bạn thân với Công chúa Mia Thermopolis của Genovia. Có thể nói gì hơn đây? Cô ấy hài hước; cô ấy có những mối tình lãng mạn; và tất nhiên, cô ấy là một cô công chúa!
Trong cả sách lẫn phim, Mia là một thiếu nữ 16 tuổi ngổ ngáo, người có cuộc sống bất ngờ đảo lộn khi được biết rằng mình là công chúa của một công quốc nhỏ ở châu Âu. Bộ phim mở đầu cho sự nghiệp thắng lợi của Anne Hathaway, đồng thời cũng giúp Julie Andrews ghi điểm nhờ hình tượng người bà với vẻ ngoài luôn luôn thanh lịch. Nhân vật người bà trong cuốn sách có phần thờ ơ lãnh cảm hơn là nhân vật lôi cuốn trên phim, nhưng chúng ta vẫn luôn có những trang nhật ký siêu hài hước của Mia.
Cả sách và phim đều là những viên ngọc quý biểu trưng cho lối kể chuyện tuyệt vời – giàu cảm xúc. Hai bà cháu thực sự là một cặp đôi vương giả của Genovia. — Maureen Lee Lenker
One Flew Over The Cuckoo’s Nest của Ken Kesey và phim One Flew Over The Cuckoo’s Nest (1975)
Tác giả Ken Kesey từng thẳng thắn nói rằng mình không thích tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết năm 1962 của ông, theo đó cũng chính thức đứng về nhóm thiểu số chê bai bộ phim này. One Flew Over The Cuckoo’s Nest đã trở thành bộ phim thứ hai trong lịch sử giành “Năm giải Oscar quan trọng nhất” (Phim hay nhất, Đạo diễn Xuất sắc Nhất, Nam diễn viên Xuất sắc Nhất, Nữ diễn viên Xuất sắc Nhất và Kịch bản Xuất sắc Nhất) và đến nay vẫn là một tác phẩn kinh điển đầy ám ảnh. Bộ phim xoay quanh McMurphy hay cáu gắt, người cố gắng lãnh đạo các ‘tù nhân’ của bệnh viện tâm thần trong cuộc nổi dậy chống lại mụ y tá độc tài Ratched (Louise Fletcher).
Trong khi đó, cuốn sách mang lại một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, được kể lại bởi “Tù trưởng” Bromden – một người giả câm giả điếc, và được tô điểm bởi những trải nghiệm của chính Kesey khi làm việc tại một trại tâm thần (và cả những trải nghiệm ông khi thử qua nhiều loại ma túy gây ảo giác). Cả hai đều xứng đáng với thời gian của bạn – và cả hai đều sẽ trở nên ám ảnh sau khi bạn hoàn thành chúng. -TA
Tự truyện ‘I, Tina’ của Tina Turner và phim What’s Love Got To Do With It (1993)
Trước hết cần nói rõ: Bản thân Tina Turner không phải là fan của What’s Love Got To Do With It, tác phẩm chuyển thể từ cuốn tự truyện I, Tina của bà. Nhưng bỏ qua màn trình diễn của Angela Bassett và Laurence Fishburne cũng có nghĩa là bạn sẽ bỏ lỡ một trong những câu chuyện lôi cuốn nhất từng xuất hiện trên màn ảnh – vai diễn trong phim đã mang về cho Bassett đề cử Oscar Nữ Diễn viên Chính Xuất sắc Nhất.
Qua bộ phim và cuốn sách (phần tiếp theo Tina Turner: My Love Story cũng rất đáng để thử qua), người đọc và người xem sẽ cảm nhận được hành trình tạo nên một trong những huyền thoại lớn nhất của làng nhạc rock. – Sarah Sprague
The Age of Innocence của Edith Wharton và phim The Age of Innocence (1993)
Không hổ danh là tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer, Edith Wharton đã khéo léo tạo nên một New York thượng lưu trong những năm cuối thập niên 1800 với hàng loạt chi tiết sống động. Dưới bàn tay của Martin Scorsese, bộ phim chuyển thể bám cực kỳ sát với nguyên tác cũng hiện lên sống động không kém, nhờ vào khâu thiết kế sản xuất chỉn chu, trang phục lộng lẫy và kỹ xảo điện ảnh gây choáng ngợp.
Và tất nhiên, luôn có một cốt truyện vô cùng hấp dẫn: vị luật sư danh giá Newland Archer (Daniel Day-Lewis) càng ngày càng không thể cưỡng lại sức quyến rũ từ cô em họ của vị hôn thê của mình – Ellen (Michelle Pfeiffer), một cô gái với tinh thần phóng khoáng, đối lập hẳn với người chị sắp trở thành cô dâu – Archer (Winona Ryder). Mối tình lãng mạn bị ngăn cấm của họ đã hoàn thiện bức chân dung về một thời đã qua và về một dòng họ hiểm độc, hệt như bất kỳ gia tộc Mafia nào trong loạt phim tội phạm của Scorsese. – TA
Little Women của Louisa May Alcott và phim Little Women (2019)
Một câu chuyện đã được kể đi kể lại rất nhiều lần, suốt nhiều năm (tất nhiên, đều vì những lý do tốt đẹp) nhưng phiên bản năm 2019 của Greta Gerwig đã mang đến một bối cảnh mới mẻ, hợp thời hơn dù vẫn trung thành với tinh thần chung của sách gốc.
Có lẽ nên xem nó là bản tưởng tượng chứ không chỉ đơn thuần là bản kể lại, bộ phim tuy không bỏ qua những khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất của cuốn tiểu thuyết (suýt làm cháy tóc nhau khi làm đẹp, trải nghiệm cận kề cái chết trong ao băng), nhưng cũng giới thiệu một giọng nói có phần hiện đại hơn, dù vẫn theo đúng với ý định của Louisa May Alcott khi viết một câu chuyện về nữ quyền – một ý niệm thực sự vượt thời gian. – RK
To Kill A Mockingbird của Harper Lee và phim To Kill A Mockingbird (1962)
Đều là những tác phẩm cực kỳ được yêu thích, phiên bản sách và phim của To Kill A Mockingbird hiện vẫn giữ được sức lôi cuốn của mình sau hơn nửa thế kỷ, khi chủ đề mà chúng bàn luận vẫn còn hiện diện mạnh mẽ ở nước Mỹ đương đại. Vai diễn luật sư người Alabama, Atticus Finch, của Gregory Peck từ lâu đã được coi là màn trình diễn kinh điển của thời đại, và cuốn sách đoạt giải Pulitzer của Harper Lee vẫn đang nổi tiếng hơn bao giờ hết.
Thật sự thì chúng tôi cũng không biết thêm gì vào hàng núi lời khen ngợi được dành cho To Kill A Mockingbird, nhưng nếu bạn chưa từng xem qua tác phẩm, có lẽ chúng tôi sẽ nói thế này: Chúng tôi sẽ thích nhìn thấy một thế giới mà trong đó ai nấy đều chú ý đến lời kêu gọi cảm thông với nhau. – TA
Le Transperceneige của Jacques Lob/Jean-Marc Rochette và phim Snowpiercer (2013)
Một câu chuyện hậu tận thế mà mọi người thực sự yêu mến. Dựa trên tiểu thuyết đồ họa Le Transperceneige của Pháp, bộ phim năm 2013 kể lại câu chuyện về một cuộc cách mạng trên chuyến tàu nơi tàn dư của loài người sinh sống sau kỷ băng hà thứ hai. Tác phẩm tiếng Anh đầu tiên của đạo diễn Bong Joon Ho đã thành công mô tả cái cách mà, ngay cả sau khi ‘thế giới đi đến hồi kết,’ những vấn đề mà người tị nạn phải đối mặt – chia rẽ giai cấp, phân biệt chủng tộc và nổi dậy – cũng sẽ không biến mất, chỉ bởi vì nhân loại đang đối mặt với sự diệt vong.
Câu chuyện xoay quanh cuộc chiến giữa nhà lãnh đạo cách mạng Curtis (Chris Evans) và Mason (vai diễn biến hóa không ngờ của Tilda Swinton) – người luôn cố gắng để giữ cho đoàn tàu và hệ thống điều hành của nó tiến về phía trước. Snowpiercer được khen ngợi bởi những hình ảnh hết sức ấn tượng và sự tôn trọng của vị đạo diễn đối với cuốn sách gốc, mà cho đến thời điểm bộ phim phát hành, mới chỉ xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Hàn.
Nguồn: https://ew.com/
Ảnh: bookaholicvn
Liên hệ mua bản quyền sách để chuyển thể thành phim: TẠI ĐÂY
Thông tin liên hệ:
Văn phòng 1: P502, tòa B3.7 Hacinco, Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Văn phòng 2: Phố sách 19/12, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn phòng 3: 159Ter, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh
Hotline: 0932373282 - 0865346815
Email: Copyright.scp2@gmail.com (Cc truyenthong.scp4@gmail.com)
Facebook: https://www.facebook.com/truyenthongvavanhoaconsoc