Giỏ hàng

Ngành xuất bản “tự cứu mình” mùa dịch COVID-19

Năm 2020, như bao lĩnh vực khác bị ảnh hưởng với dịch Covid-19, ngành xuất bản cũng đứng trước nhiều khó khăn, tổn thất. Những người làm xuất bản đã nỗ lực tìm cho mình một lối ra.

Thay vì hội sách truyền thống, nhiều đơn vị phát hành đã tổ chức Hội sách online để tiếp cận bạn đọc. Ảnh: Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Suy giảm doanh thu

Thời điểm dịch bùng phát đầu năm 2020, ngành xuất bản cũng “đau đầu” trước mức độ suy giảm doanh thu bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Những tháng đầu năm, Thái Hà Books giảm xấp xỉ 50% doanh thu, sách Phương Nam giảm khoảng 30% doanh số so với cùng kì năm trước. Các đơn vị sách có tiếng khác như Fahasa, Đinh Tị, Đông A, Alpha sụt giảm từ 30-50% doanh số. Những con số sụt giảm ấy cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa của ngành sách đầu năm 2020. 

Thông thường, hàng năm, ngoài các chiến lược bán lẻ được duy trì, những người làm sách khá trông mong vào các sự kiện của ngành xuất bản: Ngày Sách Việt Nam (21/4), các hội sách lớn nhỏ, hội chợ, triển lãm, giao lưu để bán sách… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong thời điểm giãn cách, các sự kiện này đều không thể diễn ra, là một tổn thất lớn cho ngành xuất bản.

Đặc biệt là các Hội sách diễn ra tại TP.HCM, Hà Nội. Như hội sách TP.HCM hai năm tổ chức một lần, là một trong những sự kiện được trông đợi nhất của ngành xuất bản. Hội sách không chỉ là nơi trưng bày, triển lãm, ra mắt các sách mới, giao lưu, tiếp cận độc giả, mà đây là một thời điểm quan trọng để “bùng nổ” về doanh thu của nhiều đơn vị sách. 

Năm 2018, Hội sách TP.HCM lần thứ 10 thu hút khoảng 1 triệu lượt bạn đọc, tăng gần 10%, tổng doanh thu đạt hơn 60 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với Hội sách lần IX - năm 2016. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội sách TP.HCM lần thứ 11 đã phải hoãn thời gian diễn ra. 

Thời điểm tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, đời sống người dân trở lại bình thường, nhiều hoạt động của ngành xuất bản đã cấp tập trở lại. Đầu tháng 7, Hội sách Thiếu nhi TP.HCM đã diễn ra tại Đường sách TP.HCM, với rất nhiều hoạt động hấp dẫn như triển lãm, tương tác, hội thảo, vui chơi và các chương trình khuyến mãi, giảm giá kéo dài 10 ngày.

Với thành công của Hội sách thiếu nhi 2020, nhiều người cũng kì vọng về những sự kiện khác sẽ được thực hiện trong thời gian tới nhằm tạo cú hích cho ngành xuất bản sau thời gian vắng lặng do dịch.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch, giãn cách xã hội lần thứ hai lại khiến ngành xuất bản tiếp tục vắng bặt những sự kiện đình đám có thể thu hút được nhiều khách tham quan, mua sắm, tạo thêm mối lo cho người làm sách.

Mặt khác, các nước lớn có thị trường bản quyền tiềm năng lại đang căng mình đối phó với đại dịch Covid, buộc nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng cũng tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền của nhiều đơn vị trong nước, ảnh hưởng nhất định nguồn cung bản thảo. Các hoạt động liên quan nhập khẩu nguyên liệu in xuất bản phẩm cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng của các đơn vị phát hành, công ty sách trở thành gánh nặng lớn, trong điều kiện đơn vị sụt giảm hoặc không có doanh thu. Tất cả tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành sách. Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, 3 tháng đầu năm, lượng nộp lưu chiểu giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Đổi hướng tiếp cận bạn đọc

Bán sách online

Bán sách online không phải là xu hướng mới của năm nay mà đã bắt đầu trở nên phổ biến từ vài năm gần đây, khi những người làm xuất bản nắm bắt được xu hướng công nghệ. Đi đầu về bán sách online phải kể đến Tiki. Rót tiền vô chiến lược marketing với các chương trình giảm giá mạnh, quảng bá thương hiệu trên các kênh giới trẻ yêu thích, Tiki từng bước trở thành nhà bán lẻ sách qua mạng mạnh nhất trong nước. 

Ba tháng đầu năm, trong khi các đơn vị phát hành sách lao đao, Tiki lại nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh khi doanh thu tăng trên 150% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, 5 mảng sách bán chạy nhất là: Sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Đặc biệt, 2 loại sách có mức độ tăng trưởng đáng ghi nhận trong 2 tháng đầu năm nay so với cùng thời điểm năm ngoái là sách y học (tăng gấp 2.7 lần) và sách thường thức gia đình (tăng gấp 2 lần).

Tiki có doanh thu tăng trên 150% so với cùng kỳ 2019

 

Trong cao điểm mùa dịch, hàng loạt đơn vị làm sách đã tung ra những chương trình giảm giá, khuyến mãi online hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng và gặt hái được hiệu quả tương đối. 

Nhiều đơn vị làm sách trước giờ vẫn trung thành với hình thức phát hành truyền thống cũng phải tìm mọi cách thay đổi để tự cứu mình trong thời điểm Covid đầy khó khăn như tham gia hội sách giảm giá do Tiki tổ chức bắt đầu từ ngày 2 đến 31-3, với nhiều mức giảm giá được chia theo các khung thời gian khác nhau. Hội sách có sự đồng hành của một số đơn vị như: Nhã Nam (giảm 40%), Tao Đàn (giảm 45%), Alphabooks (giảm 70%), Azbooks (giảm 80%). Diễn ra đồng thời với Tiki là hội sách Fahasa Online 2020 được thực hiện từ ngày 2 đến 29-3.

Thái Hà Books, Nhã Nam, Đông A cũng có những “lần đầu tiên” tổ chức bán sách qua livestream - một hình thức vốn được coi là “vũ khí lợi hại” của giới bán hàng online bình dân, để tiếp cận bạn đọc và mở ra hướng mới cho mình. 

Thái Hà livestream bán sách trong mùa dịch

 

Thực tế cho thấy rằng, trong điều kiện hạn chế tụ tập đông người để phòng tránh dịch Covid-19, nhiều bạn đọc tìm lựa chọn hình thức mua sách qua mạng giúp kênh phát hành sách online tăng mạnh.

Một số đơn vị như Fahasa, Alphabooks, Nhã Nam, Thái Hà book đều ghi nhận sự tăng trưởng này với mức từ 20-30%, một số đơn vị như Phương Nam tăng trên 70%. Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động.

 

Kinh doanh sách điện tử

Cùng thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng tăng mạnh. Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), doanh thu tăng khoảng 20-30% trong tháng 2. Cuối tháng 2, lượng user truy cập vượt trên 15.000 trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể. Số thư viện mua account tăng. Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống (với sự phối hợp với các nhà xuất bản, nhà sách) sau khi xuất bản phiên bản điện tử thuận lợi hơn. Việc thí điểm bán lưu niệm và các vật phẩm văn hóa khác qua fan club cũng có nhiều thuận lợi, mở ra nguồn doanh thu mới ngoài sách.

Đơn vị kinh doanh sách điện tử Waka có doanh thu tăng 20-30% trong tháng 2/ 2020

 

Nhà xuất bản Văn học, trong thời điểm dịp này cũng nâng cấp hệ thống trang thông tin điện tử của mình, hoàn thiện thủ tục, chính sách về thương mại điện tử để phục vụ độc giả. Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cho biết, nắm bắt được xu thế khó khăn của ngành xuất bản, nhà xuất bản đã phải khẩn trương chuyển đổi phương thức kinh doanh để phục vụ độc giả. Hiện, NXB đang triển khai việc phân phối kênh bán sách in qua online với hình thức cho độc giả đọc thử trước một phần rồi mới đặt mua và giao hàng tại nhà.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho rằng đây là cơ hội cho ngành xuất bản, mở ra một hướng mới cho phát triển thị trường sách trong xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ông cũng tin rằng đây là cơ hội lớn đối với việc chuyển đổi số cho hoạt động xuất bản.

 

Tổ chức hội sách online

Ngoài ra, thay cho những sự kiện hội sách tại chỗ đình đám, Hội sách online quy mô lớn nhất đã diễn ra. Hội sách được tổ chức từ ngày 19/4 đến hết ngày 10/6 tại địa chỉ book365.vn. Hội sách online có 18 sự kiện giao lưu, tọa đàm của nhiều tác giả, nhà văn, nhà khoa học, nhà quản lý tên tuổi với hơn 1.000 người tham dự.

Ảnh: Thái Hà Books

 

Được miễn phí 100% phí gian hàng, Hội sách thu hút được sự tham gia của 54 nhà xuất bản (NXB) và đơn vị phát hành sách, giới thiệu khoảng 15.000 đầu sách; 11.000 đơn đặt sách với trên 13.000 cuốn được đưa tới bạn đọc cả nước; gần 2 triệu lượt truy cập; doanh thu trên 1 tỷ đồng. Hội sách oline lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn, được coi là một bước tiến mới của ngành xuất bản trong kỉ nguyên số. 

Những nỗ lực của người làm sách, của nhà quản lý xuất bản trong thời gian qua rất đáng ghi nhận. Đó là những bước đi “tìm đường” đặt những viên đá mới cho ngành xuất bản, không chỉ để vượt thoát khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, mà nó còn là sự chuyển mình cho phù hợp với xu thế của thời đại, một sự chuyển mình tất yếu. 

--------------

Công ty CP Truyền thông và Văn hóa Con Sóc (SCC.JSC) đã có 15 năm hoạt động trong thị trường xuất bản tại Việt Nam và Đông Nam Á với ba mảng hoạt động chính: Dịch vụ Xuất bản (trong nước và quốc tế), Giao dịch Bản quyềnXuất nhập khẩu và Phát hành Sách

 Đăng ký tư vấn: TẠI ĐÂY

 Văn phòng 1: P502, tòa B3.7 Hacinco, Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội

 Văn phòng 2: Phố sách 19/12, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

 Văn phòng 3: 159Ter, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh

 Hotline: 0932373282 - 0865346815

 Email: Copyright.scp2@gmail.com (Cc truyenthong.scp4@gmail.com)

 Facebook: https://www.facebook.com/truyenthongvavanhoaconsoc