Giỏ hàng

Những hoạt động phát triển văn hóa đọc tại một số quốc gia trên thế giới

"Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa việc đọc sách vào chương trình quốc gia và tập trung nhiều nguồn nhân lực để phát triển và xây dựng mô hình phát triển văn hóa đọc. Càng đến các nước làm diễn giả, tham gia các hội sách, giao lưu và gặp gỡ, chúng tôi lại càng phát hiện ra nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực và cần lan toả."

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty sách Thái Hà

1. Singapore

Tại Singapore, phong trào đọc sách quốc gia (National Reading Movement) phát động vào năm 2016, là một chiến dịch kéo dài 5 năm của Ủy ban Thư viện Quốc gia (NLB) nhằm kêu gọi người dân Singapore "Đọc nhiều hơn, đọc rộng rãi và đọc cùng nhau". Các ưu tiên chính của chương trình là tiếp cận người lớn và người cao niên, thúc đẩy việc đọc bằng tiếng mẹ đẻ và khuyến khích cộng đồng thông qua các hoạt động hợp tác. Tất cả đều nhằm mục đích xây dựng một nền văn hóa đọc sôi động ở Singapore.

Hình ảnh từ trang web của chiến dịch National Reading Movement

2. Thái Lan - Đất nước đứng 2 trên thế giới về văn hoá đọc 

Tại Thái Lan, quốc gia có Bangkok được tôn vinh là Thủ đô Sách thế giới (World Book Capital) năm 2013, Đọc sách được chính phủ tuyên bố là chương trình quốc gia và quyết định ngày 2/4 hằng năm là Ngày Đọc Sách. Chính phủ Thái Lan cũng tuyên bố 2009 - 2018 là Thập kỷ Đọc sách và giao cho Ủy ban Khuyến khích Đọc sách lập ra cơ chế thúc đẩy và khuyến khích đọc sách. Ngoài ra, Công viên Tri thức Thái Lan (Thailand Knowledge Park) đã được chính thức thành lập năm 2004 để tạo ra nơi cung cấp tri thức cho mọi người và thúc đẩy thói quen đọc sách cho trẻ em và giới trẻ. Công viên tri thức được xem như một thư viện sống và hoàn toàn khác với các thư viện khác. Thư viện này có nhiều khu vực dành cho nhiều đối tượng khác như như Thư viện trẻ em, Thư viện âm nhạc, thư viện CNTT…Hơn nữa, Công viên Tri thức Thái Lan còn có thư viện số nên mọi người có thể đọc sách tại nhà.

Mô hình BOOKSTART THAILAND

Mô hình BOOKSTART THAILAND, khởi nguồn từ mô hình Bookstart của Anh. Đây là chương trình cũng đã được áp dụng tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Bắt đầu hoạt động ở Thái Lan từ năm 2004 với sứ mệnh tạo ra sự ấm áp cho gia đình ở Thái Lan. Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ được tặng một túi quà bao gồm một cuốn sổ tay cho cha mẹ, một cuốn sách cho bé, một đĩa CD hát ru và một chiếc điện thoại di động đồ chơi.

3. Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, chính phủ đã xây dựng Thành phố sách Paju (Paju Book City). Ở đây có 250 đơn vị xuất bản hoạt động. Pajy Book City không chỉ là nơi dành cho các đơn vị xuất bản mà còn là không gian cho các thư viện, các quán cà phê sách và nhà sách và các sự kiện, hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc Hàn Quốc còn thúc đẩy nhiều chương trình khuyến đọc với các thư viện. Chương trình Đọc Sách với Thư viện do Thư viện Quốc gia dành cho Trẻ em và Thanh niên (National Library for Children and Young Adults) thực hiện. Chương trình này được thiết kế để thúc đẩy việc đọc sách của trẻ em kém may mắn với sự hợp tác của 90 thư viện công cộng trên toàn quốc.

Thành phố sách Paju, làng Provence, làng nghệ thuật Heyri, và trung tâm thương mại Starfield 

Chương trình Thư viện phiêu lưu của các mọt sách tuổi từ 13 đến 18. Chương trình này được tạo ra và điều hành bởi sự tham gia của học sinh. Trong chương trình này chính các bạn mọt sách từ 13-18 tuổi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng danh sách đọc có tên "Bản đồ cuộc phiêu lưu trong thư viện của những mọt sách từ 13 - 18 tuổi", sử dụng các phim hoạt hình do chính những người trẻ tuổi vẽ. Nhóm mọt sách gồm 800 học sinh ham đọc sách được chọn để giới thiệu sách cho bạn bè theo chín chủ đề mà giới trẻ quan tâm như ‘Tương lai của tôi’, ‘Tình dục và tình yêu’…

4. Nhật Bản

Tại Nhật Bản, quốc gia này đã thành lập Thư viện Quốc tế Văn học Thiếu nhi (International Library of Children’s Literature) để xây dựng các hoạt động và sự kiện để thúc đẩy văn hóa đọc ở trẻ em từ năm 2000 đến nay. Năm 2010, thư viện đã ra quyết định chọn là năm Đọc sách Quốc gia. Nhiều hoạt động, chiến dịch và hội thảo được tổ chức suốt cả năm và đã thúc đẩy việc đọc, bao gồm cả người lớn, giúp mọi người hiểu sâu hơn về việc đọc sách và thư viện.

Bên ngoài thư viện Văn học Quốc tế dành cho Thiếu nhi

 

Bên trong Thư viện Văn học Quốc tế dành cho Thiếu nhi

Nhật Bản còn có mô hình cho mượn bộ sách (Bookset) dành cho các thư viện trường học. Bộ sách này gồm khoảng 50 cuốn sách khác nhau về đất nước và con người các nước trên thế giới. Mỗi trường sẽ được mượn bộ sách đó trong vòng một tháng.

5. Thụy Điển

Tại Thụy Điển, Läsrörelsen và hãng bán đồ ăn nhanh McDonald đã tổ chức chiến dịch Book Happy Meal. Thay vì các món đồ chơi nhựa trước đây, McDonald đã đổi sang tặng các cuốn sách cho các em thiếu nhi. Thụy Điển còn bổ nhiệm đại sứ văn hóa đọc với nhiệm vụ quảng bá văn hóa đọc đến tất cả mọi người, tạo sự hứng thú cho các em nhỏ và nâng cao nhận thức cho những người lớn. Đại sứ văn hóa đọc là nhà văn hoặc họa sĩ của các tác phẩm dành cho từ 0-19 tuổi, có uy tín và yêu mến sách.

McDonald tặng sách cho thiếu nhi trong chiến dịch Book Happy Meal

Thụy Điển cũng sử dụng mô hình Bookstart để phát động việc đọc sách cho các thiếu nhi và phát triển văn hoá đọc đối với cha mẹ và con cái.

6. Na Uy

Na Uy là quốc gia là Khách mời Danh dự tại Hội Sách lớn nhất thế giới Frankfurt năm 2019. Người Na Uy đọc sách nhiều hơn các quốc gia châu Âu khác dù là ở trường học hay trong thời gian rảnh rỗi của họ. Chiến dịch Leseskogen (Rừng đọc sách) của hiệp hội đọc sách Na Uy (Association Read) tập trung vào việc đọc to cho học sinh lớp 1 và lớp 2 cùng giáo viên và phụ huynh. Trên trang web của chiến dịch các em sẽ tìm thấy nhiều hoạt đông về sách và hướng dẫn cho các giáo viên và phụ huynh để tăng khả năng đọc to của họ với các con.

Vậy Việt Nam đã làm những gì để thúc đẩy văn hoá đọc?

Việt Nam ta cũng có rất nhiều các hoạt động thúc đẩy văn hoá đọc đáng tự hào. Đó là Đường sách và Phố sách tại TP HCM và Hà Nội, các chương trình Reading Tour, Reading Books Together, Tết Sách, ATM sách miễn phí, cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc", Go -Books, Không gian đọc, Điểm đọc, Lớp học hạnh phúc, "Giờ đọc sách vui vẻ"…

Năm nay, Việt Nam sẽ lại tổ chức Hội sách Online nhân ngày sách VN 21/04. Chúng tôi nảy ra ý định, mời các đơn vị xuất bản một số nước tham gia, vừa để kết nối giao lưu với các nước, vừa thúc đẩy việc mua bán ban quyền. Chúng ta đang từng bước hội nhập với thế giới. Ngay cuối năm nay Việt Nam sẽ chính thức nhận chức Chủ tịch và Tổng thư ký Hiệp hội Xuất bản ASEAN nhiệm kỳ 2022 - 2023.

Nguồn: ictvietnam.vn

--------------

Công ty CP Truyền thông và Văn hóa Con Sóc (SCC.JSC) đã có 15 năm hoạt động trong thị trường xuất bản tại Việt Nam và Đông Nam Á với ba mảng hoạt động chính: Dịch vụ Xuất bản (trong nước và quốc tế), Giao dịch Bản quyềnXuất nhập khẩu và Phát hành Sách

 Đăng ký tư vấn: TẠI ĐÂY

 Văn phòng 1: P502, tòa B3.7 Hacinco, Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội

 Văn phòng 2: Phố sách 19/12, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

 Văn phòng 3: 159Ter, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh

 Hotline: 0932373282 - 0865346815

 Email: Copyright.scp2@gmail.com (Cc truyenthong.scp4@gmail.com)

 Facebook: https://www.facebook.com/truyenthongvavanhoaconsoc