Giỏ hàng

Thủ tục đăng ký xuất bản sách

Thủ tục đăng ký xuất bản sách là thủ tục được thực hiện trước khi tác phẩm được xuất bản – in ấn – phát hành đến với công chúng. Đây không chỉ là một bước cần thiết mà nó bắt buộc đối với mọi tác phẩm trước khi xuất bản. Vậy thủ tục đăng ký xuất bản sách như thế nào? Mời quý vị theo dõi qua bài viết sau.

 

Đối tượng thực hiện thủ tục xuất bản

Luật Xuất Bản hiện hành quy định trước khi xuất bản tác phẩm, tài liệu hoặc tái bản xuất bản phẩm, nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Như vậy, pháp luật quy định nhà xuất bản là chủ thể phải thực hiện thủ tục xuất bản. Đồng thời, tại Điều 12 Luật Xuất bản 2012 quy định các đối tượng được thành lập nhà xuất bản, gồm: 

  • Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và cấp tỉnh;
  • Đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật.

 

Thành phần hồ sơ đăng ký xuất bản sách

Điều 10 Nghị định 195/2013/NĐ-CP và Thông tư 01/2020/TT-BTTTT quy định, hồ sơ đăng ký xuất bản gồm có:

  • Bản đăng ký, trong đó có tóm tắt về đề tài, chủ đề và nội dung của từng tác phẩm, tài liệu đăng ký xuất bản, xuất bản phẩm đăng ký tái bản, các thông tin khác theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định;
  • Văn bản thẩm định nội dung đối với tác phẩm, tài liệu thuộc loại phải thẩm định

 

Trình tự, thủ tục giải quyết

Theo Điều 22 Luật Xuất bản 2012, Nghị định 195/2013/NĐ-CP và Thông tư 01/2020/TT-BTTTT quy định:

  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông phải xác nhận đăng ký xuất bản bằng văn bản, cấp số xác nhận đăng ký xuất bản từng tác phẩm, tài liệu hoặc xuất bản phẩm tái bản và cấp mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN); trường hợp không xác nhận đăng ký phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
  • Trong quá trình xác nhận đăng ký, Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền yêu cầu nhà xuất bản thẩm định hoặc giải trình về tác phẩm, tài liệu đăng ký xuất bản, xuất bản phẩm đăng ký tái bản để xác nhận đăng ký.
  • Văn bản xác nhận đăng ký xuất bản là căn cứ để nhà xuất bản ra quyết định xuất bản và có giá trị đến hết ngày 31 tháng 12 của năm xác nhận đăng ký.
 

Thiết kế mẫu mã và in ấn

Các thông tin, hình ảnh trên bìa sách rất quan trọng, mọi ấn tượng ban đầu đều được thể hiện qua bìa sách. Vì vậy mẫu mã, thiết kế trang bìa rất được chú trọng. Tuy nhiên, khi thiết kế mẫu mã của sách, phải tuân thủ các quy định tại Điều 27 Luật Xuất bản 2012 và Điều 11 Thông tư 01/2020/TT-BTTTT. Cụ thể như:

  • Tên sách, tên tác giả hoặc người biên soạn, người chủ biên (nếu có), tên nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản;…
  • Tên và địa chỉ của tổ chức, họ tên cá nhân liên kết xuất bản (nếu có); năm xuất bản, số thứ tự của tập; đối với sách dịch, phải ghi tên nguyên bản; nếu dịch từ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ nguyên bản thì phải ghi rõ dịch từ ngôn ngữ nào;…
  • Họ tên và chức danh của tổng giám đốc chịu trách nhiệm xuất bản, tổng biên tập chịu trách nhiệm nội dung, biên tập viên; khuôn khổ sách, số xác nhận đăng ký xuất bản, số quyết định xuất bản của tổng giám đốc nhà xuất bản,…
  • Họ tên người trình bày, minh họa; người biên tập kỹ thuật, người sửa bản in; số lượng in; tên và địa chỉ cơ sở in; thời gian nộp lưu chiểu; mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN).

Đối với việc in ấn phải tuân thủ quy định tại Chương 3 Luật Xuất bản 2012, lưu ý:

  • Cơ sở in chỉ được in sách sau khi được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm.
  • Việc nhận in phải có hợp đồng theo quy định của pháp luật giữa cơ sở in với nhà xuất bản.
  • Số lượng sách được in phải được thể hiện trong hợp đồng và phải phù hợp với quyết định xuất bản.
 

Thủ tục nộp lưu chiểu

Căn cứ tại Điều 28 Luật Xuất bản 2012, Điều 12 Thông tư 01/2020/TT-BTTTT,

  • Tất cả xuất bản phẩm phải nộp lưu chiểu cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản chậm nhất là 10 ngày trước khi phát hành. Nộp qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp đến Cục Xuất bản, In và Phát hành, Sở, Thư viện Quốc gia Việt Nam.
  • Việc nộp lưu chiểu xuất bản phẩm được thực hiện theo quy định sau đây:
  • Nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản phải nộp ba bản cho Bộ Thông tin và Truyền thông; trường hợp số lượng in dưới ba trăm bản thì nộp hai bản;
  • Cơ quan, tổ chức được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xuất bản phải nộp hai bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và một bản cho Bộ Thông tin và Truyền thông; trường hợp số lượng in dưới ba trăm bản thì nộp một bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, một bản cho Bộ Thông tin và Truyền thông.
  • Đối với sách tái bản không sửa chữa, bổ sung thì nộp một bản cho Bộ Thông tin và Truyền thông; trường hợp có sửa chữa, bổ sung thì thực hiện theo các quy định trên.
  • Sách có nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật thì chỉ nộp tờ khai lưu chiểu.

 

Lưu ý về bản quyền đối với sách đã xuất bản

Điều 21 Luật Xuất bản 2012 quy định về Quyền tác giả trong lĩnh vực tác giả, theo đó việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (2005):

  • Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
  • Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản.
  • Quyền tác giả được bảo hộ và có thời hạn bảo hộ quy định tại Điều 27 Luật này.
  • Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả, các hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Điều 28 Luật này thì sẽ bị xử lý.
  • Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Như vậy, bản quyền (quyền tác giả) đối với sách sau khi xuất bản sẽ được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

 

Với kinh nghiệm 15 năm hoạt động, Con Sóc tự hào là đơn vị cung cấp dịch vụ xuất bản UY TÍN trong nước và quốc tế. 

>> Đăng ký tư vấn: TẠI ĐÂY

--------------

Công ty CP Truyền thông và Văn hóa Con Sóc (SCC.JSC) đã có 15 năm hoạt động trong thị trường xuất bản tại Việt Nam và Đông Nam Á với ba mảng hoạt động chính: Dịch vụ Xuất bản (trong nước và quốc tế), Giao dịch Bản quyềnXuất nhập khẩu và Phát hành Sách

 Đăng ký tư vấn: TẠI ĐÂY

 Văn phòng 1: P502, tòa B3.7 Hacinco, Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội

 Văn phòng 2: Phố sách 19/12, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

 Văn phòng 3: 159Ter, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh

 Hotline: 0932373282 - 0903276959

 Email: Copyright.scp2@gmail.com (Cc truyenthong.scp4@gmail.com)

 Facebook: https://www.facebook.com/truyenthongvavanhoaconsoc