Giỏ hàng

Dẫn dắt để đánh thức nhu cầu Văn hóa đọc

Là người gắn bó với công tác tuyên giáo trong đội ngũ công nhân và người lao động nhiều năm qua, ông VŨ MẠNH TIÊM - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) có rất nhiều suy nghĩ và trăn trở trước hiện trạng đời sống tinh thần nói chung, văn hóa đọc nói riêng của tầng lớp người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp.

"Có thực mới vực được đạo"

Thưa ông, sau rất nhiều chương trình khảo sát, tìm hiểu và lắng nghe chia sẻ của công nhân và người lao động, cảm nhận chung nhất của ông về đời sống tinh thần của lực lượng này là gì?

- Thành thật mà nói, đời sống tinh thần và vật chất của họ đều thấp.

Trong những lần chuyện trò, trao đổi với người lao động, ông nhận thấy họ quan tâm đến chính đời sống tinh thần của họ ra sao?

- Câu hỏi của chị khiến tôi bối rối đấy. Có mấy con số thế này: Hiện nay có khoảng 85% số công nhân trong các khu công nghiệp đang phải thuê nhà trọ, mà phần lớn nhà trọ của họ đều chật chội, không bảo đảm điều kiện vệ sinh và bảo vệ sức khỏe tối thiểu; hơn 60% là lao động phổ thông chưa qua hệ thống trường đào tạo bài bản; khoảng 66% số công nhân tốt nghiệp trung học phổ thông, còn lại là công nhân tốt nghiệp trung học cơ sở và tiểu học; hơn 75% số công nhân có tay nghề lao động thấp, từ bậc 1 đến 4… Để duy trì cuộc sống của mình và gia đình, phần lớn công nhân đều làm tăng ca từ một đến hai giờ mỗi ngày để có thêm thu nhập do mức lương còn thấp. Như vậy để thấy, đời sống vật chất và thể chất của họ đều đã và đang rất thấp, làm sao có thể đủ thời gian để nghĩ tới đời sống tinh thần.

Rất nhiều người lao động, khi được hỏi về điều kiện lao động, về điều kiện sinh hoạt, họ đều chỉ nói ý là "vì miếng cơm, manh áo".

Về phía chủ doanh nghiệp, nhận xét chung của ông về cách mà họ quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động như thế nào?

- Số lượng chủ doanh nghiệp quan tâm thật sự đến đời sống tinh thần của người lao động chưa cao, chiếm tỷ lệ có lẽ chỉ khoảng 30%, thể hiện qua việc họ dành quỹ đất, dành cơ chế về tài chính và con người cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân tại nơi làm việc, gọi là điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, có tủ sách, bàn chơi bóng, quầy dịch vụ căng-tin, và không gian để tập văn nghệ, thể thao khác. Một số doanh nghiệp lớn còn lập cả thư viện rộng rãi cho công nhân; đây là điều rất đáng mừng và cần được nhân rộng.

Dẫn dắt để đánh thức nhu cầu -0

Khu vực đọc sách, báo dành cho người lao động tại Công ty TNHH Panasonic Industrial Devices Việt Nam. Ảnh: MAI QUÝ 

Cần cả hệ thống chính trị chung tay

Được biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn cơ sở đã có nhiều cố gắng trong việc đưa các hoạt động hỗ trợ đời sống tinh thần, trong đó có văn hóa đọc, tới tận công nhân ở cơ sở. Những hoạt động như vậy đã được người lao động đón nhận như thế nào, thưa ông?

- Những hoạt động của Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn cơ sở trong việc hỗ trợ nâng cao đời sống tinh thần của người lao động được thể hiện ở ba khía cạnh chính.

Thứ nhất, xây dựng mô hình đưa sách báo và thiết bị kết nối internet về tận cơ sở, bao gồm tại nơi làm việc và nơi ở của công nhân. Tủ sách pháp luật, phòng đọc và thư viện, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân cũng đã được thiết kế trong một số khu công nghiệp.

Thứ hai, xây dựng và phát triển hệ thống thông tin trực tuyến thiết thực đến người công nhân, trong đó bao gồm thông tin từ báo chí chính thống của Tổng Liên đoàn, các liên đoàn lao động địa phương, fanpage của Tổng Liên đoàn (có từ năm 2016) cùng 800 fanpage của công đoàn cấp trên cơ sở và hơn 22.000 fanpage của công đoàn cơ sở, thu hút hàng trăm nghìn người lao động có tài khoản mạng xã hội theo dõi. Các fanpage này còn là nơi cung cấp, tư vấn thông tin cho người lao động về nhiều vấn đề thiết thực đối với đời sống của họ: từ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm đến các hiểu biết về luật pháp.

Thứ ba, Tổng Liên đoàn chủ động phối kết hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe sinh sản, về tinh thần trách nhiệm xã hội, các lĩnh vực kiến thức khác, cũng như các chương trình văn nghệ, thể thao, sinh hoạt cộng đồng cho công nhân tại cơ sở. Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 5 tới, kênh VTV3 sẽ phát sóng một chương trình trò chơi và giải trí, tìm hiểu kỹ năng sống và nghề nghiệp dành cho công nhân, tương tự như các chương trình dành cho nông dân, chiến sĩ.

Trong nỗ lực chung ấy từ công đoàn, người lao động đón nhận với tâm lý chung là rất phấn khởi. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy là các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở cần tuyên truyền, dẫn dắt, tập hợp, khơi dậy sự tự giác và tự đánh thức nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần từ trong chính mỗi người lao động. Phải làm tốt được điều này thì người lao động mới thật sự nhận ra mình thiếu gì, cần gì và làm thế nào để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của chính mình lên.

Nhưng việc tự ý thức được điều đó đòi hỏi trình độ học vấn của họ cũng phải được cải thiện nhất định, thưa ông?

- Tổng Liên đoàn đang xây dựng Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân tại các doanh nghiệp đến năm 2030; trong đó có sự phối hợp trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và doanh nghiệp làm thế nào để hỗ trợ công nhân học thêm lên trung học phổ thông, đại học hệ tại chức, học thêm ngoại ngữ, học nâng cao tay nghề.

- Qua trao đổi với ông, có thể thấy rằng, cần phải có kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa nhiều cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đời sống tinh thần cũng như trình độ học vấn, trình độ chuyên môn cho công nhân?

- Đúng vậy. Đặc biệt, cần những chính sách chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của từng ngành, địa phương; trong đó bao gồm những chương trình thực tiễn, nhất là những chính sách về nhà ở, nhà trẻ, thiết chế văn hóa dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, các chương trình hỗ trợ học văn hóa và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giúp người lao động an cư, lạc nghiệp.

Cảm ơn ông vì những chia sẻ!

Ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần, báo Nhân Dân, số 16, ra ngày 17/4/2022.