Liên kết chặt chẽ và thực chất các nguồn lực
Trong sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của đời sống xã hội ở nước ta hiện nay, để có thể thích ứng được, người lao động luôn cần cập nhật và nâng cao tri thức sống nói chung, kiến thức trong lĩnh vực ngành nghề của mình nói riêng. Giữa bối cảnh tràn ngập thông tin nghe nhìn từ internet và truyền hình, phát thanh, sách-những cẩm nang tri thức hữu ích đã, đang và sẽ ở đâu trong mối quan tâm của người lao động, nhất là lao động phổ thông?"
Bạn đọc đến Phòng đọc mở vào dịp cuối tuần. Ảnh: Thư viện Tỉnh Bắc Ninh
Ðến vấn đề lớn của hệ thống thư viện công
Ở tất cả các địa phương trong cả nước, đều có hệ thống thư viện công cộng trải đến cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, có nơi ở cả cấp xã. Đây là nơi lưu trữ và luân chuyển hàng triệu ấn bản sách, báo, tạp chí mỗi năm. Tuy nhiên, giữa bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin và sự thay đổi nhanh chóng về hoàn cảnh và nhu cầu đọc của người dân, việc đáp ứng và thậm chí cao hơn là dẫn hướng bạn đọc của hệ thống thư viện này đã và đang gặp phải nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.
Bà Nguyễn Thị Luyên, Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Ninh, cho biết: "Thư viện tỉnh hiện phục vụ bạn đọc tại chỗ khá hiệu quả. Bên cạnh các mô hình phòng đọc, phòng mượn và lưu kho truyền thống, thư viện đã triển khai hệ thống phòng đọc mở và kho mở. Riêng với phòng đọc mở, thư viện không giới hạn đối tượng bạn đọc có hoặc chưa có thẻ bạn đọc. Họ có thể đến cùng con em trong gia đình, tự do lựa chọn sách để đọc tại chỗ, chỉ cần báo số hiệu sách với quản thư. Mô hình này khá thu hút các gia đình trẻ, vào dịp cuối tuần hoặc các cá nhân là lao động tự do".
Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn mà Thư viện tỉnh Bắc Ninh cũng như các thư viện công lập hiện gặp phải trong việc triển khai các giải pháp thu hút và khuyến khích bạn đọc mới đến với thư viện. Thứ nhất, thời gian hoạt động trong ngày của thư viện công vẫn theo khung giờ hành chính. Đây cũng là khung giờ mà hầu hết người lao động đều đi làm. Cuối tuần, khi nhiều người có thời gian thư giãn, dành để tìm hiểu đời sống xã hội chung quanh thì thư viện lại đóng cửa. "Để mở cửa hoạt động vào ngày thứ bảy như hiện nay, thư viện chúng tôi cũng đã phải rất cân nhắc tất cả các vấn đề liên quan, trong đó cốt lõi là nhân sự phục vụ bạn đọc và kinh phí cho việc làm vào ngày nghỉ, bảo đảm quyền lợi của người lao động"-bà Luyên bày tỏ. Thứ hai, là việc phát triển các dịch vụ kèm theo cho các hoạt động mở của thư viện, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí xen kẽ của bạn đọc. Thư viện tỉnh Bắc Ninh có khuôn viên rộng rãi, nhưng những quy định về đấu thầu cung cấp dịch vụ và sử dụng tài sản công khiến cho việc thực hiện mở rộng, đa dạng hóa loại hình dịch vụ văn hóa và giải khát tại chỗ là quá khó khăn, cho dù ai cũng thấy nếu có những dịch vụ này kèm theo thì việc giữ chân bạn đọc và thu hút thêm bạn đọc mới đến thư viện sẽ khả thi hơn rất nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận, vướng mắc của Thư viện tỉnh Bắc Ninh cũng "là vướng mắc của hệ thống thư viện công cộng trong cả nước, đó là hiện nay, mặc dù về bản chất, thư viện là một thiết chế cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cho người dân, có nghĩa phải dựa trên nhu cầu của người dân mà ở đây là nhu cầu đọc, nhưng lại hoạt động trên cơ sở một cơ quan hành chính (làm việc theo giờ hành chính, theo chuẩn mực hành chính). Chính vì vậy, giờ mở cửa của thư viện trùng với giờ làm việc, học tập sinh hoạt của người dân, dẫn đến việc thư viện không thu hút được người sử dụng".
Việc tiếp cận với người lao động là công nhân trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn lâu nay vẫn là việc còn để ngỏ với hệ thống thư viện công. Trong chia sẻ với chúng tôi, đại diện Thư viện thành phố Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, thư viện này "chưa có chương trình kết hợp với các khu công nghiệp để thực hiện việc luân chuyển tài liệu (sách, báo chí-PV)". "Tuy nhiên, trong năm nay, căn cứ vào Kế hoạch 128/KH-SVHTT ngày 14/3/2022 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc "Phát triển mô hình đọc sách trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025", thư viện sẽ có đề xuất thực hiện việc luân chuyển sách tới các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố" - đại diện đơn vị này khẳng định.
Những nút nghẽn khuyến đọc
Chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng là chủ nhiệm Chương trình 1001 cách làm ăn với bộ sách cẩm nang dự kiến gồm 300 cuốn, cập nhật các cách thức nuôi trồng, chăm bón cây và con mới nhất cho bà con nông dân, bên cạnh cẩm nang hướng dẫn làm nhiều nghề mới có tính khoa học thực tiễn cao. Với tinh thần "nông dân làm gì cũng có sách", ông Nguyễn Lân Hùng đã và đang vận động hàng trăm nhà khoa học trong cả nước tham gia chương trình. Tiêu chí của bộ sách là "dạy nghề cho nông dân: dễ hiểu, dễ làm theo; phổ biến nhất, dễ dàng nhất; hiệu quả nhất". Hiện tại, 10 cuốn trong bộ sách đã được phát hành.
Tuy ao ước "bộ sách này là cẩm nang cho bà con nông dân trên mọi vùng, khuyến khích bà con đọc và tự tin nâng cao đời sống ngay trên mảnh đất quê hương" nhưng ông cũng thấy rõ khó khăn trong khâu phát hành sách đến đông đảo người dân. Hiện sách mới chỉ được phát hành ngay tại trụ sở ở nội đô Hà Nội và chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Nông nghiệp. Điều này vô hình trung tạo khoảng cách lớn giữa ấn phẩm với bà con cần đọc sách. Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề cập tới sự biến mất của mô hình "hiệu sách nhân dân" một thời tại các trung tâm huyện lỵ. Theo ông, đây là một tụ điểm quan trọng đối với bà con nông dân bởi tính chất gần gũi, dễ tiếp cận của nó, khác hẳn mô hình nhà sách/ hiệu sách tập trung chủ yếu ở đô thị, phố thị hiện nay. Về hướng phát hành bộ sách 1001 cách làm ăn tới đây, ông Hùng cho biết, đợi đến khi có khoảng 100 đầu sách, ông sẽ trực tiếp làm việc với lãnh đạo các Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tìm phương thức hỗ trợ đưa sách đến tận tay người cần.
Từ một góc tiếp cận khác, bà Trần Thị Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Văn hóa Con Sóc và Trung tâm Giao dịch bản quyền Con Sóc, đơn vị đã có gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực liên kết xuất bản và khai thác bản quyền sách, thẳng thắn chia sẻ: "Có thể nói rằng, dòng sách dành cho giới lao động phổ thông đang chưa được quan tâm ở tất cả các "mặt trận": đơn vị xuất bản, làm sách, phát hành, tác giả… và ngay cả chính đối tượng bạn đọc này. Tôi cũng hầu như chưa thấy một dòng tin hay một dự án công nào về chủ đề phát triển sách cho giới lao động phổ thông, bao gồm cả về định hướng, thông tin, lẫn sách kỹ năng".
Thực tế rõ ràng cho thấy, nhu cầu đọc đối với người lao động, nhất là lao động phổ thông, là có. Nhưng để đáp ứng được tốt hơn nhu cầu ấy, đồng thời dẫn hướng họ tiếp cận với kho tàng tri thức phong phú từ sách, báo, tạp chí trong bối cảnh của một nền kinh tế đang phát triển nhanh, hướng đến kinh tế tri thức như hiện nay, rất cần sự hợp lực của nhiều ban, ngành, để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan, đặt bạn đọc - người đọc vào vị trí trung tâm với một tinh thần phục vụ thật sự.
Ở góc độ vĩ mô, ông Phạm Quốc Hùng nhấn mạnh, định hướng phát triển thư viện công cộng không chỉ là một tụ điểm văn hóa-giải trí, mà còn là trung tâm thông tin-tri thức, trung tâm văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, hỗ trợ cho việc học tập suốt đời, sáng tạo của người dân là những nhận thức cơ bản về vị trí, vai trò của thư viện công cộng của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để phát huy tối đa vai trò của thư viện công cộng, trong năm 2021, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BVHTTDL hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cùng với Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Theo số liệu thống kê trong hai năm 2020 và 2021 từ Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có một số so sánh đáng chú ý:
- Số lượng thư viện cấp huyện tăng lần lượt từ 667 lên 671.
- Số thư viện công cấp xã giảm từ 3.290 xuống còn 2.650.
- Phòng đọc sách xã và cơ sở (làng, thôn, bản, thư viện cộng đồng ) giảm từ 19.901 xuống còn 16.092.
- Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tăng từ 180 lên 282.
- Đến hết năm 2020, tổng số sách hiện có trong hệ thống thư viện công cộng là 44.937.528 bản, theo đó, bình quân số bản sách/người/năm trong thư viện công cộng là 0,45 bản:
- Tổng số sách, báo, bổ sung trong năm cho các thư viện công cộng là 1.006.248 (năm 2020) và 761.810 (năm 2021).
- Tổng số sách, báo luân chuyển tại các thư viện công cộng là 87.873.129 lượt (năm 2020).
- Tổng số thẻ bạn đọc cấp năm của các thư viện công cộng là 540.870 (năm 2020), trong đó riêng số thẻ cấp tại hệ thống thư viện cấp tỉnh là 341.293 thẻ.
Ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần, báo Nhân Dân, số 16, ra ngày 17/4/2022.