Giỏ hàng

Tạo đột phá từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong hệ thống thư viện đang diễn ra mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Giang

Trong bối cảnh hệ thống thư viện công cộng còn gặp khó trên con đường đến với rộng rãi các đối tượng độc giả, chuyển đổi số được xem là giải pháp thiết yếu. Tuy nhiên, để cánh cửa này tạo đột phá thật sự trong công tác phục vụ độc giả thời kỳ mới thì vẫn còn nhiều bài toán đặt ra.

Bước chuyển mạnh về thói quen đọc sách

Trong thời đại 4.0, việc chuyển đổi số ngành thư viện là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả. Nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành vừa qua, sự chuyển đổi mô hình hoạt động từ thư viện truyền thống sang nền tảng số cũng chứng minh hiệu quả của một hướng đi hợp lý.

Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, chuyển đổi số với các dịch vụ thư viện tiện ích trên nền tảng số được đánh giá là một bước chuyển mạnh mẽ. Bạn đọc ngoài việc tra cứu tên sách còn có thể truy cập và đọc nhiều tài liệu bổ ích được thư viện cung cấp trên nền tảng số. Thư viện Quốc gia Việt Nam có hơn 2,5 triệu đơn vị tư liệu và bộ sưu tập số gần 112.000 cuốn (khoảng 8 triệu trang). Với bước chuyển này, đối tượng bạn đọc của thư viện ngày càng mở rộng, đặc biệt là người lao động vốn ít có thói quen và thời gian cho việc đến thư viện.

Tại Thư viện Hà Nội, trong thời gian độc giả ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người vẫn có thể tra cứu, gửi yêu cầu và gia hạn mượn sách trên nền tảng số một cách dễ dàng. Việc chuyển đổi từ môi trường truyền thống sang nền tảng số đã đem lại nhiều dịch vụ tiện ích cho độc giả. Đặc biệt trong hai năm 2020, 2021, để vừa bảo đảm việc phục vụ bạn đọc, vừa làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, thư viện triển khai dịch vụ tư vấn cho bạn đọc qua trang Facebook của thư viện. Bên cạnh đó, thư viện cũng tổ chức nhiều triển lãm sách trực tuyến, giới thiệu sách mới, thư mục chuyên đề qua website và trang Facebook. Vì thế, hoạt động phục vụ bạn đọc vẫn được duy trì đáp ứng tốt yêu cầu.

Thư viện tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại. Theo thống kê, thư viện có gần 250.000 bản sách, 150.000 trang tài liệu địa chí được số hóa, 200 loại báo, tạp chí, thuê quyền truy cập 1,5 triệu tài liệu điện tử. Cùng với đó, thư viện mở rộng kết nối và hợp tác chia sẻ nguồn lực thông tin với các đơn vị cùng dạng, đặc biệt là liên kết với tailieu.vn-website chia sẻ tài liệu lớn nhất Việt Nam.

Giải pháp đầu tư đồng bộ

Theo Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga, việc triển khai chương trình chuyển đổi số là cơ hội để ngành thư viện tăng tốc hiện đại hóa; liên kết, chia sẻ nguồn lực, tạo lập cộng đồng thư viện lớn mạnh. Thư viện Quốc gia Việt Nam đã và đang tiếp tục nâng cao năng lực số, xây dựng nền tảng công nghệ có thể tích hợp, xử lý lượng dữ liệu lớn, hình thành trung tâm dữ liệu dùng chung để phân phối, chia sẻ, liên thông với các thư viện trong và ngoài nước.

Chuyển đổi số cũng giúp xây dựng dữ liệu mở để người dân, cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia, góp phần xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở về thư viện và mạng thông tin thư viện quốc gia. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực này, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện hiện nay có những điểm còn mới mẻ, có thể khiến cho các thư viện gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hầu hết 63 thư viện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành vốn tài liệu điện tử, tài liệu số. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý tại các thư viện chưa đồng bộ và phù hợp với đa dạng nhu cầu của bạn đọc. Tỷ lệ tài liệu số trong vốn tài liệu của thư viện, số lượng tài liệu được số hóa trong thư viện còn hạn chế. Công tác ứng dụng khoa học và công nghệ chủ yếu mới được thực hiện ở thư viện công cộng cấp tỉnh, còn thư viện công cấp huyện, xã, các phòng đọc cơ sở được vận hành theo phương thức thủ công. Các dịch vụ thư viện hiện đại chưa được phong phú và cung cấp rộng khắp trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó là sự không đồng đều giữa các vùng do hệ thống thư viện phụ thuộc rất nhiều vào khu vực địa lý, điều kiện kinh tế của địa phương.

Trước những hạn chế này, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thư viện nhấn mạnh, hệ thống thư viện công cộng trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực thông tin trong và ngoài thư viện, phấn đấu đến năm 2025, 100% số các thư viện cấp tỉnh xây dựng hệ thống thông tin điện tử, trong đó 50% có hoạt động liên thông, liên kết, chia sẻ tài nguyên thông tin và phục vụ người sử dụng.

Việc Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025 được xem là cơ sở tạo đột phá để phục vụ độc giả. Tại nhiều địa phương, hệ thống thư viện đang tích cực tổ chức các hoạt động chuyển đổi số, tuy nhiên để đạt mục tiêu như kỳ vọng, cần có sự đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa.

Hương Mộc

Nguồn: Ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần, báo Nhân Dân, số 16, ra ngày 17/4/2022.