Đằng sau việc mua bản quyền những cuốn sách best seller là sự cạnh tranh như thế nào?
[Trung tâm Giao dịch Bản quyền SCC] Công tác mua sách bản quyền, nhất là những cuốn sách đang là best seller thực sự là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị xuất bản.
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, Ngày Sách và Bản quyền thế giới 2022, Tân Việt Books đã tổ chức buổi tọa đàm về Bản quyền sách nước ngoài - Góc nhìn người trong cuộc.
Sự cạnh tranh việc mua bản quyền có lợi cho độc giả
Tại buổi toạ đàm, dịch giả Xuân Hồng chia sẻ, thế hệ của anh phần lớn biết tới sách dịch của Nga, Pháp, Trung Quốc. Còn hiện tại, các bạn trẻ được tiếp cận với nhiều đầu sách hay, đa dạng về thể loại của nước ngoài, sách được mua bản quyền từ nhiều nước trên thế giới. "Các nhà sách to và đẹp, các đầu sách phong phú, có cả sách nước ngoài và sách trong nước. Đó là điều đáng mừng. Vấn đề chỉ là độc giả có chịu bỏ tiền ra mua sách và đọc hay không", dịch giả Xuân Hồng bày tỏ.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm
Mỗi cuốn sách nước ngoài khi xuất bản ở Việt Nam đều phải trải qua các bước: Mua bản quyền, chuyển ngữ, hiệu đính, xin giấy phép, in ấn và phát hành. Dịch giả Xuân Hồng tiết lộ, đằng sau sự đa dạng các dòng sách dịch từ nước ngoài, nhất là sách best seller có mặt trên các kệ sách của người Việt Nam là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị xuất bản.
“Tôi không tham gia vào công đoạn mua bản quyền nhưng tôi biết đằng sau những cuốn sách best seller mà các bạn có trong tay, đó là sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt, và giá mà các nhà xuất bản bỏ ra để có nó rất cao. Gần đây nhất là 3 cuốn sách văn học nổi bật của Dan Brown như Biểu tượng thất truyền, Hỏa ngục, Nguồn cội trong đó cuốn Nguồn cội tôi biết được có tới 8 nhà xuất bản “thi đấu” và điều kiện kèm theo rất lằng nhằng như việc phải mua thêm bản quyền của cái này, cái kia, phải dịch trong bao nhiêu lâu,… Nhưng chính sự cạnh tranh này lại khiến các nhà xuất bản nhận ra được các tác phẩm có giá trị và mong muốn nó tới tay bạn đọc Việt Nam như thế nào. Đây thực sự là điều đáng mừng”, dịch giả Xuân Hồng chia sẻ.
Đồng quan điểm, nhà báo Tuấn Anh - hiện đang công tác tại báo Tiền Phong nhưng trước đó anh có gần 20 năm làm việc tại báo Sinh viên Việt Nam - Hoa học trò - đơn vị từng mua bản quyền nhiều cuốn sách best-seller để xuất bản tại Việt Nam. Anh cho biết, công tác mua bản quyền sách rất vất vả và hồi hộp, rủi ro cao. Có những cuốn thực sự tạo tiếng vang khi có mặt tại Việt Nam với trên 20.000 bản được in trong một lần xuất bản. Nhiều cuốn sách của đơn vị anh mua rồi không xuất bản được và phải chịu mất chi phí bản quyền. “Ranh giới giữa thất bại và thành công rất ngắn”, nhà báo Tuấn Anh nói.
Để tủ sách gia đình, nhà trường có thêm nhiều tầng tri thức
Bà Thu Trang – Giám đốc Bản quyền và Xuất bản Tân Việt Books chia sẻ, thành công để có những cuốn sách giá trị tới độc giả thực sự là bề nổi, khó khăn sau nó là bề chìm mà chỉ có những người làm trong lĩnh vực này mới có thể hiểu được.
“Công tác mua bản quyền khó khăn, không ai dám tự tin cuốn sách mua xong rồi, dù là best seller đó nhưng xuất bản có còn ai thích nữa hay không? Người làm xuất bản thường nói với nhau về quy tắc ‘20-80’. Tức là 20% doanh thu từ những cuốn best-seller sẽ ‘bù lỗ’ cho 80% sách còn lại. Tôi vốn thích sách về nghệ thuật và phim ảnh – dòng sách này thực sự kén người đọc, rủi ro cao hơn các dòng sách khác. Nhưng tôi luôn cố gắng mua bởi muốn làm phong phú hơn tủ sách của mọi người. Để mọi người có nhiều sự lựa chọn. Khi ra sách có thể chưa có lợi nhuận kinh tế ngay đâu nhưng tôi và các đơn vị khác vẫn phải làm để tủ sách gia đình, nhà trường có tầm tri thức nhất định để độc gỉa có cơ hội tìm hiểu thêm tri thức thế giới – đó là mong muốn của những người làm công tác bản quyền sách.
2 năm qua, do Covid-19, các hội chợ sách quốc tế lớn trên thế giới không thể diễn ra dưới hình thức trực tiếp khiến người làm công tác mua, bán bản quyền sách không được gặp gỡ, giao lưu với nhau. Bà Thu Trang chia sẻ, đại dịch Covid-19 dường như thúc đẩy những người làm sách. Thời gian ở nhà làm việc, giao dịch trực tuyến lại khiến bà và các cộng sự tìm tòi được khá nhiều đầu sách hay để mua về phục vụ bạn đọc Việt Nam.
Trước đây, các đơn vị xuất bản tập trung vào sách nuôi sống công ty như sách kỹ năng, sách văn học... Sau 10 năm, các đơn vị xuất bản đã tập trung vào làm các tủ sách tinh hoa, kinh điển, dòng sách y học riêng... Điều này mở ra cơ hội tốt cho độc giả có nhiều lựa chọn. “Tiêu chí chúng tôi đề ra khi mua bản quyền là thông điệp mà sách truyền tải, uy tín của tác giả, giá trị nội dung và sự nhạy cảm cá nhân”, bà Thu Trang cho biết.
Dịch giả Xuân Hồng còn cho biết, các dịch giả của Việt Nam đều có công việc chính ổn định. Việc dịch sách được coi là một công việc làm thêm. Vì thế, yếu tố thù lao không được đặt lên hàng đầu. Vì thẳng thừng mà nói, thù lao hiện nay cho các dịch giả đều ở mức thấp. Nếu trả đúng công sức cho các dịch giả, độc giả sẽ không có đủ tiền để mua sách. Điều dịch giả Xuân Hồng quan tâm khi nhận lời chuyển ngữ cho cuốn sách là độ uy tín của đơn vị phát hành, nội dung cuốn sách và quỹ thời gian cá nhân.
Theo: Tình Lê
Nguồn: Báo Vietnamnet