Giỏ hàng

Để xuất bản Việt Nam về đích trong kỷ nguyên số toàn diện (Phần 1)

Chuyển đổi số là yêu cầu sống còn của mọi nền kinh tế, đồng thời là yêu cầu sống còn của mỗi lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Trong chuyển đổi số của hoạt động xuất bản, những mô hình, phương thức dựa trên nền tảng số hóa dữ liệu, ứng dụng Big Data, Internet of Things, trí tuệ nhân tạo cần được triển khai trên diện rộng để mang đến hiệu quả mới cho ngành xuất bản hiện nay.

20210319-l1.jpg

Ảnh minh họa

Thực trạng quá trình chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản

Xuất bản số đang trở thành xu thế tất yếu của ngành xuất bản. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta hiện nay nhìn chung còn chậm so với các lĩnh vực khác. Hiện nay, trong số 59 nhà xuất bản (NXB), chỉ có khoảng 10 NXB đã và đang  thực hiện chuyển đổi số. Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành Việt Nam, đến nay mới có 09 NXB được cấp giấy xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. Điều này phần nào cho thấy sự thờ ơ, đứng ngoài cuộc của ngành xuất bản Việt Nam đối với sách điện tử, trái ngược với xu thế và nhu cầu sử dụng của bạn đọc trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều năm nay, các trang chia sẻ ebook (sách điện tử) không bản quyền vẫn ngang nhiên hoạt động tại Việt Nam với hàng trăm nghìn đầu sách được số hóa và tải về, các diễn đàn đọc truyện trực tuyến, ứng dụng đọc sách lậu của Việt Nam xuất hiện tràn lan trên mạng internet, “chợ ứng dụng” của Google và Appstore.

Hiện nay, ebook có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, con số xấp xỉ 10 đơn vị xuất bản và nhà sách quan tâm tới mảng sách này là quá ít ỏi. Vốn đầu tư vào phát triển thiết bị, phần mềm đọc sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của những đơn vị này cũng vô cùng hạn chế. Nhiều ứng dụng đọc sách được một số NXB lập ra nhưng lại không hướng đến nhu cầu và lợi ích của độc giả. Thậm chí, có NXB dù đã nhận được nhiều phản hồi từ phía bạn đọc về việc không thể đăng nhập tài khoản, ứng dụng bị lỗi, khó khăn khi nạp tiền mua sách và mã giảm giá... nhưng vẫn không có động thái khắc phục, tư vấn hay hỗ trợ độc giả. Trong khi đó, tiki.vn - một website thương mại điện tử tiêu biểu của Việt Nam, vốn xuất hiện như một siêu thị sách online lại đang vận hành theo mô hình của trang bán lẻ trực tuyến. Thay vì đầu tư vào xuất bản điện tử và thương mại xuất bản trực tuyến như trước đây, doanh nghiệp này đang có khuynh hướng trở thành một siêu thị “ảo”. Chất lượng kho sách miễn phí của các NXB hiện nay nhìn chung chưa cao, chủ yếu là truyện ngôn tình hoặc các văn bản được sưu tầm từ các nguồn ebook miễn phí trên mạng nên nội dung còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Những vấn đề khúc mắc từ những vụ kiện bản quyền khiến cho ứng dụng đọc sách chính thống trở nên “thất thế” tại thị trường sách trong nước. Vì thế, ngày càng có nhiều người đọc ưu tiên sử dụng, thậm chí trả phí cho các website ứng dụng chia sẻ sách vi phạm bản quyền.

Sự lúng túng trong chuyển đổi số của ngành xuất bản càng thể hiện rõ hơn từ thực tế Hội sách và Triển lãm sách trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Có thể nói, đây không chỉ là giải pháp tình thế của ngành xuất bản nhằm ứng phó với đại dịch Covid 19 mà còn là dấu ấn của xu hướng công nghệ , góp phần kết nối sách với bạn đọc trên không gian mạng, tạo điều kiện thuận lợi để ngành xuất bản thực hiện quá trình chuyển đổi số, bước vào nền kinh tế số.Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục.

Trước hết, khâu tổ chức và vận hành còn lúng túng. Giữa Ban Tổ chức và các đơn vị tham gia chưa có sự nhất quán, tính chuyên nghiệp chưa cao. Hầu hết các đơn vị xuất bản, kinh doanh sách chưa  có đủ trang thiết bị và nhân sự vận hành nền tảng số. Nhiều tên sách, nội dung sách, giá sách, mã sách bị sai sót nhưng chưa được xử lý kịp thời. Việc kiểm tra đơn hàng, vận đơn, chốt đơn, đóng gói sản phẩm có nhiều thời điểm chưa tốt, nhất là giai đoạn đầu. Nhiều đơn hàng bị từ chối, thời gian nhận sách kéo dài, nhất là các đơn hàng nhỏ, lẻ. Khi không có tổng kho trung chuyển, nếu khách hàng đặt mua sách đồng thời của nhiều đơn vị, sự chậm trễ của một đơn vị sẽ kéo theo nhiều đơn vị khác.

Đối với một sàn sách trực tuyến, thiết kế giao diện không chỉ là để bán hàng, mà còn bao gồm không gian tương tác, truyền thông, thương mại. Do đó, giao diện được thiết kế cần bảo đảm vừa mang không gian của một chợ sách (nghĩa là nhiều thể loại sách, dễ lựa chọn, tìm kiếm) vừa mang tính truyền thông cao.

Nhiều đơn vị xuất bản, kinh doanh sách chưa chủ động cung cấp hoặc bổ sung sách hay, sách bán chạy… đáp ứng nhu cầu mua của khách hàng. Các đơn vị còn thiếu chủ động trong truyền thông gian hàng của mình. Mặc dù có tới 54 đơn vị tham gia và nhiều đơn vị có trang web nhưng rất ít đơn vị triển khai truyền thông trên sàn trực tuyến book365.vn, vì cho rằng đây là trách nhiệm của Ban Tổ chức. Sự quyết tâm tạo ra không gian mới ở các đơn vị tham gia chưa cao, chưa thực sự thấy hết ý nghĩa của việc tạo ra sân chơi riêng cho ngành sách, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

>> Phần 2: 

>> Đăng ký tư vấn: TẠI ĐÂY

----------

Công ty CP Truyền thông và Văn hóa Con Sóc (SCC.JSC) đã có 15 năm hoạt động trong thị trường xuất bản tại Việt Nam và Đông Nam Á với ba mảng hoạt động chính: Dịch vụ Xuất bản (trong nước và quốc tế), Giao dịch Bản quyềnXuất nhập khẩu và Phát hành Sách

 Đăng ký tư vấn: TẠI ĐÂY

 Văn phòng 1: P502, tòa B3.7 Hacinco, Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội

 Văn phòng 2: Phố sách 19/12, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

 Văn phòng 3: 159Ter, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh

 Hotline: 0932373282 - 0903276959

 Email: Copyright.scp2@gmail.com (Cc truyenthong.scp4@gmail.com)

 Facebook: https://www.facebook.com/truyenthongvavanhoaconsoc