Sách là mặt hàng thiết yếu: Đừng để COVID-19 nhấn chìm văn hóa đọc
TTO - "Bạn có nghĩ sách là thiết yếu trong bối cảnh giãn cách?". Khi đặt câu hỏi này trên một fanpage, chúng tôi nhận được phản hồi nhiều chiều.
Có người cho rằng sách là sản phẩm văn hóa cần có để chữa lành tinh thần con người trong cuộc khủng hoảng; có người nói rằng sách thiết yếu theo nghĩa đây là khoảng thời gian để đọc những cuốn sách mua nhưng chưa có thì giờ đọc, và cũng có người đặt vấn đề gốc rễ hơn: ở VN, có bao nhiêu phần trăm đọc sách, coi sách cần cho tinh thần như thực phẩm nuôi sống thể chất?
Độc giả mua sách tại Đường sách TP.HCM trước đợt giãn cách vì COVID-19 - Ảnh: T.T.D.
"Đóng băng" hệ thống ấn hành
Tạm rời cuộc tranh luận với nhiều quan điểm riêng để trở về với thực tế của ngành xuất bản tại TP.HCM sau hơn một tháng giãn cách theo chỉ thị 16, có thể thấy nhiều công ty xuất bản, nhà xuất bản, nhà phát hành sách đang đứng trước bờ vực khó khăn.
Hàng trăm đầu sách đã đầu tư bản quyền, xử lý nội dung, thậm chí lên kế hoạch truyền thông nhưng bị "mắc kẹt" ở nhà in (vì nhà in cũng phải giãn cách theo đúng quy định).
Cộng với giá giấy tăng đột biến, nguồn giấy nhập khan hiếm làm cho việc xuất bản sách mới phải trì hoãn.
Về đầu ra, hàng trăm nhà sách, không gian sinh hoạt của người đọc sách tạm dừng hoạt động và hàng ngàn đơn hàng, hợp đồng xuất kho phải gián đoạn vì hệ thống vận chuyển ngừng đột ngột, bộ máy chăm sóc khách hàng cũng phải đóng cửa theo quyết định giãn cách.
Dù có nhiều chương trình giảm giá được quảng bá trên các trang thương mại điện tử, nhưng bộ phận chăm sóc khách hàng của các sàn này cũng liên tục nhắn tin, gọi điện xin lỗi, mong độc giả đã đặt sách thông cảm vì giao sách không đúng hẹn. Nhiều độc giả đã hủy đơn.
Sự "đóng băng" nói trên ở hai đầu mối thị trường lớn là TP.HCM và Hà Nội đang ảnh hưởng sâu sắc đến dịch vụ phát hành sách trên toàn quốc.
Qua cơn "bĩ cực" này, điều gì sẽ đón đợi? Các nhà xuất bản, công ty sách sẽ đối diện với bài toán nguồn vốn hoạt động khi đối tác phân phối, tức hệ thống phát hành truyền thống (chuỗi các nhà sách) gia tăng công nợ do suốt một thời gian dài giãn cách thiếu hụt nguồn thu.
"Hiệu ứng domino" sẽ xảy ra: nhà phát hành nợ nhà xuất bản, nhà xuất bản nợ nhà in, đối tác bản quyền và cả tác giả, dịch giả... Yếu tố này cộng với giá giấy, giá vận chuyển, chi phí gia công tăng, dự kiến giá bìa sách sẽ tăng cao.
Trong điều kiện kinh tế chung khó khăn vì người dân phải tiết giảm tiêu dùng, chắc chắn thị trường kinh doanh xuất bản sẽ khó chồng khó trong tương lai gần nếu không có giải pháp cụ thể từ bây giờ!
Từ chính sách cụ thể
Phát hành sách online, hay nói cách khác giao dịch qua trang thương mại điện tử là một xu hướng lớn có thể giải quyết phần nào những khó khăn, đảm bảo thị trường xuất bản duy trì hoạt động trong thời gian giãn cách, với điều kiện về mặt chính sách cụ thể: Nhà nước cần công nhận sách là mặt hàng thiết yếu, như đề nghị của Cục Xuất bản in và phát hành cùng nhiều đơn vị xuất bản và phát hành tại hội nghị trực tuyến hôm 12-8. Tiếp theo là triển khai cụ thể bằng chính sách hỗ trợ xuất bản từ việc "khai thông" hai khâu chính: in ấn và phát hành.
Tìm cách đảm bảo cho các nhà in hoạt động liên tục trong những địa phương có chỉ thị giãn cách và tạo điều kiện chính sách công nhận dịch vụ liên tục của các trang thương mại điện tử là những việc cần làm bức thiết lúc này.
Điều này không chỉ tiếp sức cho ngành xuất bản, mà còn đáp ứng nhu cầu được tiếp cận sách của người dân. Ở đây, cần tư duy sách không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, mà còn là phương tiện tiếp cận tri thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trau dồi tri thức phát triển và phổ biến nhất là học tập.
Một trong những nhóm xã hội mà chính sách cần lưu tâm là trẻ em. Các quốc gia từng chịu những đợt sóng nặng nề của đại dịch trong năm 2020 đều ghi nhận sự nguy hiểm của "hội chứng giãn cách dài ngày" tác động lên với trẻ em.
Sự gián đoạn việc học và môi trường tiếp xúc bạn bè, thiếu vắng những cuốn sách phù hợp lứa tuổi để học hỏi và giải trí, thay vào đó việc tiếp xúc quá nhiều với phương tiện công nghệ khiến trẻ em rơi vào những cuộc khủng hoảng tâm lý.
Trong điều kiện giãn cách tại Việt Nam ở thời điểm này, còn có một vấn đề nữa mà các phụ huynh đang băn khoăn, đó là chưa biết sẽ phải mua bộ sách giáo khoa năm mới, học cụ cho con em như thế nào nếu các nhà sách, thiết bị trường học đều đóng cửa trong khi năm học mới thì đang đến rất gần. Không phải phụ huynh nào cũng có thể mua sách qua mạng, cũng đã có nhiều phụ huynh lo âu khi sau hơn một tháng đặt mua sách giáo khoa, sách vẫn chưa được giao tới.
Vậy, xem sách là mặt hàng thiết yếu không chỉ là vấn đề quan điểm riêng của mỗi người về sự đọc nữa, mà nhìn trong bối cảnh rộng là vấn đề duy trì sức sống của một ngành công nghiệp văn hóa, duy trì môi trường học hành và sinh hoạt tri thức phát triển cộng đồng. Không ngạc nhiên khi nhiều quốc gia phương Tây như Pháp, Ý, Bỉ đã công nhận sách là thiết yếu và ưu tiên hỗ trợ thị trường xuất bản hoạt động trong giãn cách.
Một số nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore cũng đang tìm kiếm giải pháp duy trì kênh phát hành sách thương mại điện tử, đồng thời mở cửa hiệu sách trong sự kiểm soát số lượng, mật độ giãn cách, cốt là không để bão táp của đại dịch nhấn chìm con thuyền văn hóa của cộng đồng xã hội.
Lời phát biểu của Phó thủ tướng Bỉ Georges Gilkinet trên tờ Le Soir soi tỏ một quan niệm chính đáng và cần nhất quán bằng chính sách khẩn cấp, cụ thể: "Chúng ta luôn phải xem trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đại dịch. Văn hóa giữ vai trò quan trọng, nhất là việc đọc sách".
Nguồn: tuoitre.vn
>> Tìm hiểu về Dịch vụ xuất bản Con Sóc tại: ĐÂY
--------------
Công ty CP Truyền thông và Văn hóa Con Sóc (SCC.JSC) đã có 15 năm hoạt động trong thị trường xuất bản tại Việt Nam và Đông Nam Á với ba mảng hoạt động chính: Dịch vụ Xuất bản (trong nước và quốc tế), Giao dịch Bản quyền, Xuất nhập khẩu và Phát hành Sách
Đăng ký tư vấn: TẠI ĐÂY
Văn phòng 1: P502, tòa B3.7 Hacinco, Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Văn phòng 2: Phố sách 19/12, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Văn phòng 3: 159Ter, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh
Hotline: 0932373282 - 0865346815
Email: Copyright.scp2@gmail.com (Cc truyenthong.scp4@gmail.com)
Facebook: https://www.facebook.com/truyenthongvavanhoaconsoc